Lãi suất huy động tiếp tục được nâng lên ở mức mới, trong khi đi vay khó khăn hơn với mức lãi suất cho vay cũng đang gia tăng chóng mặt.
Sáng hôm qua, bà Giang, ngụ ở Hóc Môn đã bần thần cả người khi bị ngân hàng gọi điện thông báo tăng lãi suất vay thêm 0,5%/tháng. Bà biết trong hợp đồng vay có thể hiện sáu tháng điều chỉnh lãi suất theo thị trường, nhưng bà không ngờ lãi suất tăng cao vậy. Cùng với bà, nhiều người đã vay có thoả thuận điều chỉnh lãi suất 3 – 6 tháng một lần đang nhấp nhổm như trên đống lửa khi lãi suất biến động.
Lãi suất vay 19%/năm
Những ngày cuối năm này, không ít người muốn vay ngân hàng đều buồn bã ra về. Bà N., một người đi vay ngồi nấn ná ở một phòng giao dịch ngân hàng Techcombank ở TP.HCM, để tính toán mức lãi suất ngân hàng đưa ra. Vợ chồng bà có tiệm tạp hoá, muốn vay 200 triệu đồng mua hàng kinh doanh cuối năm, nhân viên ngân hàng đưa ra giá vay tiêu dùng 19%/năm. “Vậy là phải trả lãi gần 1,6%/tháng, chắc tôi không đi vay nữa”, bà nói.
Trong khi đó, ông V., một người đi vay kể, ông vay sản xuất kinh doanh, thì mức lãi suất là 12%/năm, nhưng nhân viên nói sẽ có những khoản phí thẩm định… kèm theo, lãi suất sẽ lên gần 13%/năm.
Không ít ngân hàng còn cho vay thì đưa ra mức lãi suất khá cao. Một số ngân hàng thì tạm ngừng dịch vụ này. Chi nhánh Sacombank Tân Bình đang ngưng cho vay, dù vậy nhân viên vẫn nhận hồ sơ, với mức lãi suất hiện là 1,4%/tháng, và đề nghị người vay đầu tháng 1 tới quay lại mới được giải ngân. Lý do đưa ra là ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng của năm.
Còn ở phòng giao dịch ngân hàng Đông Á đường Lê Văn Sỹ, nhân viên cho biết chỉ nhận cho vay khách hàng quen, và đề nghị người vay 1 – 2 tuần sau gọi lại để biết có được vay hay không.
Trong cuộc giao lưu trực tuyến “Trước biến động lãi suất và tỷ giá” ngày hôm qua do báo VnEconomy tổ chức, theo ông Lê Xuân Nghĩa, bắt đầu từ quý 4, thanh khoản đã có dấu hiệu xấu đi, một số doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chợ đen trong vài ngày với lãi suất 4,5 đến 5%/ tháng. Theo ông, không còn được hỗ trợ lãi suất sẽ là khó khăn cộng thêm cho các doanh nghiệp.
Cũng trong buổi giao lưu, ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB cho rằng, việc tăng lãi suất cơ bản vừa qua dẫn đến tăng trần lãi suất cho vay, lại làm cho người vay dễ tiếp cận đến nguồn tín dụng bằng tiền đồng hơn. “Trước đây, khi trần lãi suất là 10,5%, biên lãi suất hẹp nên muốn cho vay hiệu quả, ngân hàng phải lựa chọn kỹ người vay. Còn khi “khung giá” trở nên rộng hơn, khi doanh nghiệp vay, vấn đề không chỉ là lãi suất thấp, 10,5% hay 12%/năm không quá quan trọng. Điều họ cần nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn đủ, thủ tục nhanh gọn, nhân viên chuyên nghiệp và có khả năng thấu hiểu và tư vấn…”, ông nói. Một người vay cho biết, những ngày này vẫn vay được ở ACB nếu chấp nhận lãi suất đề nghị. Chẳng hạn, lãi suất vay mua nhà ở ACB (có thế chấp) là 15,5%/năm, với lời giải thích của nhân viên là lãi suất đang lên.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ ngân hàng Nhà nước cho rằng việc điều hành lãi suất sẽ theo chủ trương và mục tiêu của năm 2010, là phục hồi tăng trưởng kinh tế, GDP tăng 6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7%.
Lãi suất tiết kiệm: đụng trần thoả thuận
Sau đợt điều chỉnh lãi suất đầu tháng 12, ngân hàng Đại Á đã có ngay một bảng lãi suất mới hai ngày sau đó. Lãi suất các kỳ hạn ở Đại Á đều từ 10,4% – 10,48%/năm. Nếu không vì sự đồng thuận, cũng như việc ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra đối với những ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm vượt 10,5%/năm, thì dường như Đại Á sẵn sàng vượt mức trần này, do trước đó Đại Á đã để mức này sau đó giảm lại. Đáng chú ý, ở ngân hàng Nam Việt (NaviBank), các kỳ hạn đều nằm ở 10,5%/năm. Ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác, kỳ hạn 1 – 36 tháng dao động từ 10,2 – 10,49%/năm. Hiện tượng lãi suất của các kỳ hạn chênh nhau đáng kể, thậm chí bằng nhau như trường hợp NaviBank, khiến cho khách hàng chỉ có một lựa chọn là gửi tiền ở kỳ hạn ngắn. Điều này buộc ngân hàng hạn chế cho vay ở các kỳ hạn dài.
Các ngân hàng quốc doanh cũng đã đưa lãi suất huy động lên. VietinBank, kỳ hạn 12 – 36 tháng đã tới mức 10 – 10,5%/năm, ngân hàng BIDV kỳ hạn 6 – 36 tháng là 10,1 – 10,4%/năm.
Dù vậy, theo giám đốc phụ trách tiền tệ của một ngân hàng, mức lãi suất này mới giữ được chân mà chưa hấp dẫn người gửi. “Bởi lượng tiền gửi vào không đáng kể”, ông nói. Do các yếu tố khác như tỷ giá USD/VND, vàng… liên tục biến động, ông cho rằng, sắp tới lãi suất sẽ phải tăng mới đủ sức hút tiền gửi.
(Sài Gòn Tiếp Thị)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com