Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế châu Á 2009: Chuyển khó khăn thành cơ hội bứt phá

Suy giảm kinh tế tại châu Á sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2009 do xuất khẩu sang thị trường phương Tây sụt giảm. Song, cho dù phải đối mặt với không ít thách thức, nền kinh tế khu vực đầu tàu thế giới này sẽ vượt qua và tăng trưởng cao. Đó là những gam màu sáng, tối trong bức tranh toàn cảnh kinh tế khu vực mà các chuyên gia kinh tế thế giới vừa phác thảo.
 

Những khó khăn hiện hữu
 

Không chỉ khu vực châu Á, những khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi nguồn từ Mỹ đang gõ cửa hầu hết các nền kinh tế thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 2009 sẽ là năm đầy thách thức với toàn châu Á khi tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống 5,7%, so với mức ước đạt 6,9% năm 2008. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng của khu vực này năm 2009 có thể chậm lại trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhu cầu xuất khẩu tăng lên. Theo dự báo, sự phục hồi của khu vực này có thể khởi đầu vào cuối năm 2009, khi mức tăng trưởng chung bị ghìm giảm ở mức 4,9%.
 

ADB đặc biệt lo ngại về kinh tế Trung Quốc - vốn được xem là cột trụ tăng trưởng không chỉ của khu vực mà cả thế giới - khi hạ dự đoán tăng trưởng năm 2009 xuống còn 8,2% so với mức dự kiến 9,5% năm 2008. Kịch bản lạc quan nhất được đưa ra với nền kinh tế thứ tư thế giới này là tăng trưởng trở lại vào quý II-2009 và được thúc đẩy vào quý III-2009 nhờ tác động của gói kích thích tiền tệ.  
 

Trong khi đó, Nhật Bản nền kinh tế thứ hai thế giới cũng không mấy khả quan khi đang lún nhanh vào tình trạng suy thoái. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã đưa ra dự báo triển vọng kinh tế ngày càng ảm đạm với GDP sẽ giảm 0,8% trong tài khóa 2008 (kết thúc vào tháng 3-2009) và tăng trưởng GDP chỉ ở mức 0% trong tài khóa 2009. Đây là lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua Nhật Bản đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế 0%. 


Nỗ lực cùng vượt qua thách thức
 

Trước tình trạng khó khăn hiện nay, Nhật Bản đã có một cố gắng mới để tái khởi động nền kinh tế, với dự thảo ngân sách 1,01 nghìn tỷ USD cho năm tài chính 2009, tăng 6,6% so với ngân sách được đưa ra ban đầu cho năm tài chính này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 19-12-2008 đã hạ lãi suất cơ bản đồng yên từ 0,3% xuống mức 0,1%/tháng. Đồng thời, BoJ đưa ra những biện pháp mới để bơm tiền vào hệ thống tài chính nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang ngập sâu vào suy thoái này. Cùng với việc cắt giảm lãi suất, BoJ cũng tuyên bố kế hoạch tạm thời mua vào thương phiếu do các công ty phát hành và tăng lượng mua vào trái phiếu chính phủ hàng tháng để hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp.  

Mặc dù đang phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, song ADB lạc quan khi cho rằng, khu vực châu Á vẫn có khả năng tránh được những tác động xấu nhất do khủng hoảng gây nên, nếu lãnh đạo các nước này thành công trong kích cầu nội địa; tăng chi tiêu công bằng cách mạnh dạn xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở để tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân đang cạn vốn.  
 

Cùng với nhận định trên, Ngân hàng Thế giới (WB) thừa nhận các quốc gia châu Á sẽ ở vị thế thuận lợi hơn để đối phó với khủng hoảng chừng nào họ duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô; chuyển hướng xuất khẩu sang các khu vực tăng trưởng nhanh trên thế giới; đồng thời thay thế cầu bên ngoài bằng cầu nội địa và tiếp tục các cải cách cơ cấu để tăng cường khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, IMF cho rằng chính phủ các nước châu Á cần áp dụng các chính sách bảo vệ hệ thống tín dụng; nới lỏng chính sách tiền tệ và tạo ra thêm những phương cách kích thích tài chính.  
 

Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, quý I-2009 có thể sẽ khắc nghiệt nhất với khu vực châu Á, song "sau cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai". Khác với các nền kinh tế phương Tây, ngân hàng của các nước châu Á tránh được những mất mát lớn do những khoản nợ khó đòi không nhiều. Thêm vào đó, các quốc gia trong khu vực đã thiết lập một hệ thống trao đổi rộng rãi ngoại tệ nhằm ổn định đồng tiền, tránh tổn thất. So với các khu vực, châu Á không phải là nơi chịu tác động mạnh nhất nhưng lại có điều kiện thuận lợi nhất để thoát khỏi khủng hoảng một cách vững vàng hơn và sẽ đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế thế giới. Như vậy, sáng vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế khu vực châu Á trong năm 2009 này.

(Theo báo điện tử Diễn đoàn doanh nghiệp)

  • Giá lương thực sẽ tăng trong năm 2009
  • Triển vọng kinh tế Trung Quốc 2009: Ẩn số niềm tin
  • Năm 2009, lượng xe bán ra sẽ giảm 5 triệu chiếc
  • 4 triển vọng công nghệ năm 2009
  • Kinh tế của Singapore suy giảm trong năm 2009
  • Vùng Vịnh ban hành đồng tiền chung vào 2010
  • Thế giới 2009, qua các con số và sự kiện dự báo
  • Những sắc màu quan hệ quốc tế 2009 (15:49 01/01/2009)
  • Những dự báo an ninh trong năm 2009
  • Kinh tế châu Á 2009: Chuyển khó khăn thành cơ hội bứt phá
  • Thị trường thuỷ sản Nhật Bản sẽ tiếp tục ế ẩm trong năm 2009
  • WB: Kinh tế Đông Á sẽ chỉ tăng trưởng 5,3% trong năm 2009
  • 5 thành tựu khoa học vĩ đại trong 5 năm tới
  • 8 dự đoán về kinh tế châu Á năm 2009
  • Chi tiêu năm 2009: Những việc nên và không nên làm