Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những sắc màu quan hệ quốc tế 2009 (15:49 01/01/2009)

Bất kỳ ai hy vọng về một thời kỳ yên tĩnh sau những biến động của năm 2008 sẽ rất thất vọng. Đối với kinh tế, thương mại cũng như chính trị, năm 2009 hứa hẹn là một năm gắng sức thích ứng với một thế giới đã thay đổi.

Mặc dù vậy, cũng phải nói ngay rằng những dự báo này chỉ mang tính chất tương đối và nhiều ngạc nhiên lớn có thể sẽ xảy ra. Chẳng hạn như năm 2008, không ai dự báo được sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers 158 tuổi của Mỹ và sau đó toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ cần được trợ giúp khi lòng tin vào chủ nghĩa tư bản thị trường tự do gần như bốc hơi hoàn toàn.

Cũng không ai dự báo được giá dầu thế giới leo thang tới mức kỷ lục 147 USD/thùng rồi vài tháng sau đó hạ xuống dưới 40 USD/thùng. Chúng ta cũng không đưa ra được dự báo về khả năng xảy ra xung đột Nga-Grudia hay Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống da màu đầu tiên tại Mỹ.

2009 - Năm tồi tệ với giới ngoại giao

Tổng thống Mỹ Bush bị chỉ trích theo chủ nghĩa đơn phương. (Ảnh: Corbis)

Tổng thống Mỹ George Bush đã nhận được vô số lời chỉ trích trong suốt nhiệm kỳ. Một trong những lời cáo buộc lịch sự nhất là rằng ông là một chính trị gia ’’theo chủ nghĩa đơn phương’’.

Người ta tin rằng, ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ đưa nước Mỹ ’’xích lại gần hơn’’ với phần còn lại của thế giới và việc đó sẽ góp phần mang lại sự tiến bộ đối với một loạt vấn đề quốc tế gây tranh cãi, từ biến đổi khí hậu cho tới thương mại và chính trị.

Tuy nhiên, 2009 sẽ mang đến sự thất vọng. Nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ cần nhiều hơn một Tổng thống mới của Mỹ để thổi sinh khí mới vào ngoại giao đa phương và các tổ chức quốc tế.

Trong năm 2009, nỗ lực hồi sinh vòng đàm phán Doha tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ thất bại. Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể làm sống lại Hiệp ước Lisbon đang hấp hối. Hiệp ước không phổ biến hạt nhân sẽ chịu áp lực hơn nữa.

Tòa án Tội phạm quốc tế sẽ không đạt được tiến bộ về các vụ truy tố hóc búa nhất. Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ tiếp tục mất uy tín khi tổ chức này vừa có một Tổng thư ký yếu vừa có một Hội đồng Bảo an bất hòa.

Những thất bại của năm 2009 sẽ càng trọn vẹn hơn khi nỗ lực đạt được một thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ thất bại tại một hội nghị thượng đỉnh lớn tại Copenhagen.

Sự sụp đổ của vòng đàm phán Doha năm 2008 đã đặt ra một tiền lệ đáng ngại trong năm 2009. WTO là ví dụ thành công nhất của sự hợp tác quốc tế. Đây là một tổ chức có những thủ tục giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc về pháp lý. Ngay cả các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đều sẵn sàng chấp nhận các phán quyết của WTO.

Vậy mà vòng đàm phán Doha cuối cùng cũng sụp đổ do sự bất đồng giữa Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và EU về buôn bán nông phẩm. Thất bại này là sự ngụ ý u ám đối với các cuộc đàm phán về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tương tự như Doha, các cuộc đàm phán này đọ quyền lợi của các nước giàu như Mỹ và EU với các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ.

Các vấn đề liên quan tới Doha tương đối hẹp và dễ xác định. Một thỏa thuận tại WTO mang lại triển vọng lợi ích kinh tế thực sự. Trái lại, các cuộc đàm phán chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang động chạm tới một vấn đề vô cùng khó về chính trị và kỹ thuật.

Các chuyên gia nhất trí rằng, mọi thỏa thuận quốc tế sẽ phải quy định Mỹ và châu Âu cắt giảm lượng khí thải nhanh hơn Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên, về mặt chính trị, thỏa thuận đó sẽ không dễ được thông qua ở Mỹ, đặc biệt là trong tình hình kinh tế Mỹ u ám hiện nay.

Xa vời một thế giới không vũ khí hạt nhân

Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn còn nhiều trắc trở. (Ảnh: Corbis)

Về vấn đề phổ biến hạt nhân, ưu tiên của ông Bush trong 8 năm làm Tổng thống là ngăn chặn các nước như CHDCND Triều Tiên và Iran có bom hạt nhân. Ông đã thất bại trong cả hai trường hợp.

CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm một thiết bị hạt nhân năm 2006 và tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã gặp trở ngại liên tiếp trong năm 2008. Trong khi đó, Iran đã phớt lờ các nghị quyết của LHQ kêu gọi ngừng làm giàu uranium mà nhiều Chính phủ phương Tây cho rằng, là vỏ bọc cho chương trình vũ khí hạt nhân.

Nếu các quốc gia như Iran và CHDCND Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân, tại sao các cường quốc hạt nhân chính thức (Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc), chứ chưa nói tới các nước không chính thức (Ấn Độ, Pakistan và Israel) lại từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ?

Thất bại ngăn chặn CHDCND Triều Tiên và Iran gần đây, đã dạy cho các cường quốc hạt nhân một bài học: Nếu họ không bắt đầu thảo luận việc giải trừ kho hạt nhân của chính họ, họ sẽ khó có thể thuyết phục được các quốc gia khác đứng về phía họ trong nỗ lực giải trừ hạt nhân.

Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) không chỉ yêu cầu các nước phi hạt nhân từ bỏ ý tưởng có vũ khí hạt nhân. NPT còn yêu cầu 5 cường quốc hạt nhân chính thức tìm cách từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hiện nay của họ.

Bất ổn của thế giới mới

Các cuộc đàm phán quốc tế về thương mại, biến đổi khí hậu hoặc không phổ biến hạt nhân luôn gặp trở ngại do những nguyên nhân rất cụ thể. Những trở ngại đó cho thấy quản trị toàn cầu đang trở nên khó khăn hơn. Dường như có ba lý do lớn cho thực trạng này.

Trước tiên, toàn cầu hóa có nghĩa là có nhiều cường quốc hơn trong sân chơi quốc tế và phải tính tới quyền lợi của các cường quốc này. Đã qua rồi thời kỳ các nước phương Tây và Nhật Bản trong nhóm G8 có thể thao túng một thỏa thuận về thương mại hoặc biến đổi khí hậu. Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và các nước phát triển khác phải là một bộ phận trong sân chơi đó.

Thứ hai, tin đồn về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Nga thậm chí càng làm cho các cường quốc khó khăn hơn trong việc đạt được các thỏa thuận tại LHQ năm 2009. Sự bế tắc ở LHQ sẽ phủ bóng đen lên mọi cuộc đàm phán quốc tế khác, chẳng hạn như phổ biến hạt nhân.

Cuối cùng, quản trị toàn cầu có thể là nạn nhân của sự thành công của chính nó. Không khó để đạt được các thỏa thuận quốc tế mang tính kỹ thuật, cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn nhiều để đạt được các thỏa thuận liên quan tới tiêu chuẩn sống hay những vấn đề nhạy cảm về nhận diện dân tộc.

Chẳng hạn, trong các hiệp ước của nội bộ EU, các vấn đề lớn bị bỏ lại trên bàn đàm phán ở Brussels là những vấn đề chính trị, chẳng hạn như chính sách đối ngoại và quốc phòng chung cho khối này.

Tương tự, các vòng đàm phán thương mại thành công trước đây hầu như bỏ lại nông nghiệp, chính xác là do vấn đề này quá nhạy cảm về chính trị. Vòng đàm phán Doha phải đối phó với những cuộc vận động hành lang mạnh ở Ấn Độ, châu Âu và Mỹ.

Các nhà ngoại giao phải chống lại những một trong những mặt trái của toàn cầu hóa. Trong một nền kinh tế toàn cầu, phụ thuộc lẫn nhau, ngày càng có nhiều vấn đề đòi hỏi những thỏa thuận quốc tế.

Tuy nhiên, những thỏa thuận này phải được công chúng ở các quốc gia riêng lẻ ủng hộ, nơi khái niệm về nhận dạng và quyền lợi vẫn mang tính cục bộ địa phương. Đừng tin tưởng rằng, giới ngoại giao có thể giải quyết được vấn đề này trong năm 2009!

Những điểm nóng châu Á và Trung Đông

Cuộc chiến chống khủng bố tiếp tục là điểm nóng sự kiện quốc tế.
(Ảnh: Corbis)

Thế giới chính trị năm 2009 đầy những nguy cơ. Nỗi lo sợ bị ám sát vẫn đeo đuổi các chính trị gia từ Pakistan, Afghanistan cho tới châu Phi và châu Mỹ.

Nếu CIA sai, Iran có thể có vũ khí hạt nhân vào năm 2009 và Israel có thể có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn khả năng này.

Iran cũng có thể khiến các nước láng giềng lo ngại bằng cách phóng một vệ tinh vào quỹ đạo. Điều đó sẽ có nghĩa là Iran có khả năng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Hy vọng đầu tiên và lớn nhất của Chính phủ Iran trong năm 2009 là nước này sẽ không bị Israel hoặc chính quyền Mỹ, đặc biệt là chính quyền sắp mãn nhiệm, tấn công quân sự.

Do vậy, nước này sẽ tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán với nhóm 6 nước (Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) càng lâu càng tốt như trước đây. Iran sẽ tiếp tục trò chơi mèo vờn chuột với sự thất vọng ngày càng tăng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Trong khi đó, Iran sẽ tiếp tục làm giàu uranium, tiến gần hơn tới điểm mà phương Tây lo ngại có thể chế tạo bom hạt nhân.

Những người lạc quan vẫn hy vọng Israel và Palestine sẽ ký kết một thỏa thuận hòa bình song những người bi quan sẽ lo ngại về một cuộc chiến nữa giữa Israel và nhóm Hezbollha ở Lebanon.

Mặc dù khó có thể đạt được đột phá trong chính trị Trung Đông song có lẽ 2009 sẽ chứng kiện việc Israel và Syria ký kết hiệp định hòa bình được mong đợi bấy lâu nay. Trong trường hợp đó, địa chính trị của toàn khu vực sẽ thay đổi, chí ít là do sự suy yếu của liên minh truyền thống giữa Syria và Iran.

Những đám mây u ám không chỉ giăng trên bầu trời Trung Đông, mà còn cả Nam Á. Nếu may mắn và Tổng thống Zardari của Pakistan tiếp tục có thiện ý, Ấn Độ và Pakistan sẽ hòa giải hoàn toàn.

Nếu không may, ông Zardari bị những sĩ quan thân Taliban lật đổ và hai nước có vũ khí hạt nhân này sẽ lại giao chiến về Kashmir. Mặc dù khả thi song Chính phủ Sri Lanka và nhóm li khai Tamil chắc sẽ không thể nhất trí về một thỏa thuận hòa bình.

Đối với Đông Á, quá trình thống nhất bản đảo Triều Tiên có thể sẽ đầy thách thức và tốn kém.

Với việc chấm dứt tăng quân tại Iraq năm 2008, Mỹ sẽ đổ thêm 20.000-30.000 quân vào Afghanistan để dập tắt cuộc nổi dậy ngày càng mạnh lên của Taliban. Tuy nhiên, Mỹ có thể đảo ngược được tình hình hiện nay còn phụ thuộc một phần vào việc Pakistan có thể và sẵn sàng trấn áp các chiến binh ở những khu vực bộ tộc bất ổn giáp Afghanistan hay không.

Sự tăng quân trong hai năm qua cũng như việc áp dụng các chiến thuật chống nổi dậy đã thành công ở Iraq song cho tới nay lại tỏ ra không hiệu quả đối với Taliban.

Đổ thêm quân Mỹ vào Afghanistan có thể giúp phần nào song phát triển kinh tế, ngăn chặn tham nhũng và triệt phá trồng thuốc phiện cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Tuy nhiên, Tổng thống Karzai, người sẽ được bầu lại vào năm 2009, chắc sẽ không tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng.

Nhiệm vụ chiến lược của EU

Lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu liệu có gây lại một cuộc chạy đua vũ trang?
(Ảnh: AFP)

Khu vực Caucasus cũng có nhiều vấn đề. Điều chưa chắc chắn là những diễn biến tại khu vực này. Năm 2008, nước Nga đã từng làm thế giới ngạc nhiên bằng cuộc chiến chớp nhoáng với Grudia.

Liệu Hội đồng Bảo an LHQ có thể mở rộng số thành viên thường trực? Liệu Chiến tranh Lạnh và chạy đua vũ trang có thể trở lại nếu Mỹ tiếp tục xây dựng lá chắn tên lửa ở Đông Âu và Nga chĩa tên lửa vào Ba Lan do nước này cho Mỹ đặt lá chắn đó trên lãnh thổ quốc gia?

Hầu hết các nhà phân tích chính trị cho rằng, các khả năng trên sẽ không xảy ra, cũng giống như việc Tổng thống Omar al-Bashir của Sudan sẽ không xuất hiện trước Tòa án tội phạm quốc tế do những lời cáo buộc diệt chủng. Tuy vậy, chẳng có gì khẳng định rằng những ngạc nhiên như vậy không thể xảy ra.

Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng 2009 sẽ là năm EU tiếp tục là trung gian quan trọng để giải quyết rất nhiều ’’cuộc xung đột đóng băng’’ ở châu lục này. Đó là một loạt cuộc chiến nhỏ đã được dàn xếp không phải thông qua các thỏa thuận hòa bình mà bằng cách đóng băng hành động chiến tranh của các bên tham gia.

EU cũng cố gắng đưa mâu thuẫn kéo dài giữa Kosovo và Serbia tới hồi kết. Khi hầu hết các nước phương Tây đã công nhận độc lập của Kosovo vào tháng 2/2009, có những cảnh báo về thanh trừng sắc tộc và khả năng Serbia quay lưng lại với châu Âu.

Tuy nhiên, những người theo đường lối ôn hòa, thân châu Âu tại Serbia đang có uy lực. Trong năm 2009, Serbia sẽ chấp nhận sự độc lập của Kosovo để đổi lấy một lời hứa gia nhập EU.

2009 cũng là năm châu Âu sẽ bắt đầu giải quyết một nhiệm vụ chiến lược bị bỏ lại từ thời của những cuộc cách mạng 1989-1990: Chỗ trống an ninh nổi lên tại các quốc gia nằm giữa EU và Nga.

Ở nơi bức màn sắt từng tồn tại, các đường biên giới mới và vô hình đã hình thành ở châu Âu giữa những quốc gia được bảo vệ bởi các thỏa thuận an ninh và những quốc gia vẫn còn nằm ngoài những đảm bảo đó.

Năm 2009, EU phải đảm bảo rằng sự thay đổi đang diễn ra ở các vùng đất giữa EU và Nga tiếp tục diễn ra một cách trật tự, hòa bình và có lợi cho cả hai phía.

Mục đích đã rất rõ: Nga và Ukraine trên đường trở thành những nước láng giềng thịnh vượng và thân thiện, giống như Đức và Pháp ngày nay. Để đạt được mục tiêu đó, EU cần thiết lập một thỏa thuận liên quan tới Nga và Ukraine.

Tất cả những dự báo trên chỉ là.... dự báo và có thể là cuối cùng chỉ có một vài trong số này có thể trở thành sự thật. Tuy vậy, chúng ta hãy hy vọng về một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn trong năm 2009.

(Theo VietNamNet)

  • Giá lương thực sẽ tăng trong năm 2009
  • Triển vọng kinh tế Trung Quốc 2009: Ẩn số niềm tin
  • Năm 2009, lượng xe bán ra sẽ giảm 5 triệu chiếc
  • 4 triển vọng công nghệ năm 2009
  • Kinh tế của Singapore suy giảm trong năm 2009
  • Vùng Vịnh ban hành đồng tiền chung vào 2010
  • Thế giới 2009, qua các con số và sự kiện dự báo
  • Những sắc màu quan hệ quốc tế 2009 (15:49 01/01/2009)
  • Những dự báo an ninh trong năm 2009
  • Kinh tế châu Á 2009: Chuyển khó khăn thành cơ hội bứt phá
  • Thị trường thuỷ sản Nhật Bản sẽ tiếp tục ế ẩm trong năm 2009
  • WB: Kinh tế Đông Á sẽ chỉ tăng trưởng 5,3% trong năm 2009
  • 5 thành tựu khoa học vĩ đại trong 5 năm tới
  • 8 dự đoán về kinh tế châu Á năm 2009
  • Chi tiêu năm 2009: Những việc nên và không nên làm