Khoảng 1/5 số chủ DN trưởng thành từ trong thực tiễn sản xuất kinh doanh (với quy trình cha truyền con nối). Mới chỉ có gần 15% số chủ DN có kiến thức về kinh tế thương mại hay tài chính. Hơn 62% số người được hỏi trưởng thành không qua đào tạo chuyên môn chính quy. Đây chính là một phần thực trạng của các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến mây tre đan.
Nếu phân theo quy mô lao động, các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến mây tre đan chủ yếu có quy mô không lớn. Hầu như không có DN nào có quy mô 5.000 người trở lên. Số DN quy mô trên 300 lao động chỉ ở mức 1-2%. Phổ biến các DN có quy mô dưới 200 lao động, trong đó quy mô dưới 50 lao động chiếm hơn 44% số DN hiện có. Con số này là 20,7% đối với DN có quy mô từ 50-199 lao động. Tuy nhiên với đặc thù sử dụng lao động nông thôn và lao động nông nhàn tại các vùng nên lực lượng lao động thời vụ làm việc trong ngành mây tre đan còn lớn hơn nhiều. Xét về vốn, các DN nước ta còn quá khiêm tốn. Phần lớn các DN (gần ¾ số DN) có số vốn dưới 5 tỷ đồng. Số DN có vốn lớn hơn 50 tỷ đồng mới ở mức dưới 5% số DN hiện tại.
Sản xuất hàng mây tre đan theo phương thức gia công là phương thức tổ chức sản xuất phổ biến trong các làng nghề. Các DN cơ sở sau khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sẽ tổ chức sản xuất ngay tại DN để đáp ứng một phần sản phẩm, phần lớn sản phẩm được tổ chức sản xuất theo kiểu gia công cho người lao động trong các hộ gia đình hoặc giao cho các tổ hợp tác, HTX sản xuất theo mẫu mã quy định. Các hộ, các cơ sở sản xuất, người lao động nhận gia công sản xuất hàng mây tre đan được các DN ứng trước một phần vốn, thông thường là 60-70% giá trị hợp đồng.
Sự phát triển của làng nghề với sự khôi phục các làng nghề truyền thống trong những năm gần đã thể hiện phần nào vai trò của các DN trong việc tạo lập lại ngành hàng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho cư dân nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của ngành mây tre đan vẫn còn những hạn chế nhất định so với các ngành công nghiệp khác. Xét về độ tuổi các chủ DN phần lớn đã ở mức trên 45 tuổi. Số người ở độ tuổi từ 45 đến 60 chiếm tới 53.25% số người được hỏi, thậm chí còn tới hơn 5% số chủ DN đã ở tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là một đặc điểm của ngành mây tre đan, yêu cầu cao về kinh nghiệm và kỹ năng, nhất là những nghệ nhân trong làng nghề. Trong khi đó những người ở độ tuổi dưới 35 chưa tới 10%, phần nào hạn chế tính năng động và sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Yếu tố tuổi tác này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính bảo thủ trong việc thiết kế mẫu mã và kỹ thuật của ngành mây tre đan trong những thập kỷ qua.
Tác nhân có vai trò quan trọng và chiếm số đông trong chuỗi ngành hàng là các hộ chuyên sản xuất sản phẩm mây tre đan tại các làng nghề. Số liệu khảo sát cho thấy họ chiếm tới 3/4 số cơ sở tham gia chế biến mây tre. Các cơ sở này có thể gia công cho một Cty hay DN kinh doanh hàng mây tre xuất khẩu tại các đô thị hay trung tâm thương mại nào đó hoặc có thể xuất khẩu trực tiếp theo các đơn hàng mà họ ký với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Mô hình tổ hợp tác hiện nay chỉ tồn tại ở một số nơi nhưng thực tế không phải là tổ chức sản xuất tập trung như trước kia mà chủ yếu là nơi khâu nối việc gia công của các xã viên và thực hiện các công đoạn hoàn thiện như đánh bóng, xử lý chống mốc, bao bì đóng gói, và tiêu thụ (trong hoặc ngoài nước).
Một khó khăn không nhỏ trong quá trình sản xuất kinh doanh của các DN mây tre đan là vấn đề vốn. Khi các DN có hợp đồng chỉ được ứng một phần tiền nhưng họ lại phải ứng với tỷ lệ khá cao cho người sản xuất nên rất khó khăn về vốn lưu động. Đa số lượng vốn vay là vốn ngắn hạn. Mặc dù điều này phù hợp với tình hình hiện nay của quy trình kinh doanh hàng mây tre đan (mang tính hợp đồng gia công theo đơn đặt hàng của khách hàng) nhưng xét về chiến lược rất khó có thể có những chiến lược sản phẩm hay chiến lược thị trường bền vững. Tỷ lệ DN được vay cũng không phải là nhiều nhất là đối với vốn dài hạn, chỉ dưới 5% số DN được hỏi.
Khan hiếm nguyên liệu cũng là vấn đề khó khăn rất lớn đối với các DN mây tre đan trên địa bàn. Xấp xỉ 90% nguyên liệu sản xuất các mặt hàng mây tre đan hiện nay ở Hà Tây phụ thuộc nguồn cung ứng từ các tỉnh ngoài, chi phí vận chuyển cao, tiêu cực phí trên đường vận chuyển lớn làm cho giá thành nguyên liệu bị đẩy lên cao.
Khả năng tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại của các DN còn non kém. Hiện nay đa số các DN của Việt Nam đều sản xuất theo mẫu mã của nước ngoài hoặc nhái lại và gia công cho tập đoàn nước ngoài nên bị ép giá. Việc tham gia các triển lãm và hội chợ trong và ngoài nước của các DN bị hạn chế bởi nguồn tài chính không lớn.
(Theo vinanet)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com