Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển công nghiệp phụ trợ: Biết rồi, khổ lắm... để đấy!

Mức nhập siêu kỷ lục năm 2007 tới 12,443 tỷ USD, theo Bộ Công thương dự báo sẽ được phá vỡ vào năm 2008, có thể lên đến 22 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu tăng phi mã là sự yếu kém của nền công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, mỗi khi đưa nó ra bàn bạc thì vẫn lại là điệp khúc buồn: biết rồi, khổ lắm… để đấy!

Đứa con còi cọc

Công nghiệp phụ trợ là ngành sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho việc chế tạo các sản phẩm chính của ngành công nghiệp. Việc phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, giảm giá thành sản xuất. Nhà nước cũng đã sớm dành chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, đến nay, cho dù đã gia nhập WTO được hơn 1 năm, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn là “đứa con còi cọc, suy dinh dưỡng”.

Công ty Daihatsu ròng rã khảo sát hàng tháng trời hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam mà vẫn không thể tìm ra được nhà cung cấp linh phụ kiện đạt yêu cầu. Trong khi đó, Canon phải mất một thời gian dài mới tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam, song 90% trong số đó lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jero) tại 68 doanh nghiệp của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy 50-90% linh phụ kiện vẫn phải nhập từ nước ngoài. Đó là những ví dụ điển hình mô phỏng bức tranh ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Vậy là, sau gần 2 thập kỷ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng nền công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn chưa thấy rõ dáng hình.

Hiện nay, ngoại trừ ngành sản xuất xe máy được coi là ngành có công nghiệp phụ trợ cao nhất với tỷ lệ nội địa hóa gần 80%, các ngành còn lại tỷ lệ này là rất thấp. Nhiều ngành công nghiệp tại nước ta phát triển lớn mạnh với kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD như: giày da, may mặc, điện tử… song nguồn “đầu vào” vẫn phải phụ thuộc rất nhiều từ nhập khẩu, do vậy giá trị gia tăng còn thấp. Ngành dệt may là một ví dụ, là một ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng tỷ lệ nội địa hóa lại rất thấp. Có tới 80% vải, da, vải giả da, và các phụ liệu như chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại… vẫn phải nhập khẩu. Các phụ liệu trong nước sản xuất được như vài loại vải, khóa kéo… thì lại ít được sử dụng trong các sản phẩm xuất khẩu. Các ngành khác như: nhựa, cơ khí, sản xuất bao bì, sản xuất nguyên vật liệu… công nghiệp phụ trợ cũng rất kém phát triển. Đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 5-10%, công nghiệp phụ trợ chỉ cung cấp được vài sản phẩm đơn giản, giá trị thấp: bộ dây điện trong xe, ghế ngồi và một số chi tiết bằng nhựa, kim loại…

Biết rồi, khổ lắm, nhưng…

Ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam “còi cọc” cho dù “đường sữa” không thiếu. Những năm gần đây, luồng vốn đầu tư nước ngoài theo chân các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đang có xu hướng chuyển dần công nghệ và nhà máy vào Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng sản phẩm trung gian của họ lại rất cao và tương đối phức tạp đối với các nhà cung ứng Việt Nam. Trong cuộc hội thảo về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME PC) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho ví dụ: “5 năm trước, khi đầu tư vào Việt Nam, đại diện công ty Fujitsu đã lặn lội đi tìm đến 64 doanh nghiệp trong nước mà không mua nổi… cái ốc vít”. Điều này cho thấy trình độ chuyên môn hóa và khả năng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Chính phủ, trước mắt là thiết lập một cơ quan đầu mối, tạo sự chuyên nghiệp về công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần lựa chọn các ngành trọng điểm để đầu tư, trước mắt nên ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành ô tô, điện tử - điện gia dụng, dệt may, da giày… bởi đây là những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo ra nhiều việc làm. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Hoàn thiện, ban hành mới các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm công nghiệp, xây dựng các rào cản kỹ thuật cần thiết cho từng ngành, từng chủng loại sản phẩm.

Tuy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã có một bản quy hoạch phát triển đến năm 2010, tầm nhìn 2020, nhưng một bản quy hoạch có chi tiết đến đâu thì cũng khó có thể đưa ngành công nghiệp đi lên nếu bản thân các doanh nghiệp chưa thực sự “xông pha”, chưa thực sự cải tổ bản thân. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn làm ăn theo cung cách “chộp giật”, thiếu tính chuyên nghiệp. Điều này khiến họ bị đánh mất lòng tin của khách hàng, khó tìm được nguồn hỗ trợ để phát triển. Vì vậy, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin ở khách hàng là điều cần làm ngay trong xu thế kinh doanh hội nhập hôm nay.

( Theo Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng )

  • Chi phí quảng cáo, khuyến mại cần quy định hợp lý
  • Nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
  • Tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 10/2008
  • Phòng ngừa tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ
  • Tăng động lực cho Tam giác phát triển
  • Việt Nam cần những giải pháp cụ thể giải quyết khủng hoảng (12/11)
  • Kinh tế 2009: vẫn nặng nỗi lo lạm phát
  • Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định trong 10 năm tới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi