Việt Nam cần rút ra những kinh nghiệm nào từ cuộc khủng hoảng, khi những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế trong nước, lẫn toàn cầu đang xuất hiện ngày càng nhiều? Giám đốc quốc gia ngân hàng Phát triển châu Á ADB Ayumi Konishi trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị.
![]() |
Trên thực tế, Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng kinh tế từ năm 2007, nghĩa là trước khi suy thoái toàn cầu diễn ra. Bài học nào cần rút ra, theo ông?
Tôi nghĩ, Việt Nam cần rút ra một số bài học trong hai năm 2007 – 2008, giai đoạn mà Việt Nam bị lạm phát cao. Có một yêu cầu thực tế là Chính phủ cần giám sát một cách chặt chẽ các dòng tiền vào, cũng như đưa ra các chính sách điều hành thích hợp, đúng lúc. Việt Nam đã có những biện pháp hữu hiệu giảm lạm phát xuống. Tôi không muốn nói rằng, Việt Nam đã gặp may, nhưng thực tế làm sao chỉ riêng các chính sách thôi có thể kiềm chế và kéo lạm phát xuống nếu giá cả thế giới không giảm xuống nhanh chóng do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu.
Một bài học nữa cho các năm 2008 – 2009 là hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam còn rất yếu kém, trong khi số người bị tác động bởi khủng hoảng tăng lên. Những người cận nghèo quay trở lại đói nghèo, những người mất việc làm, người nghèo ở đô thị đáng ra được hỗ trợ tốt hơn.
Vấn đề quan trọng nữa là Việt Nam cần có cơ chế thu thập và phân tích thông tin kịp thời. Nhiều nhà hoạch định chính sách đã thất bại trong việc dự báo vì Việt Nam không có hệ thống hoàn thiện để nắm bắt tình hình kinh tế.
Công bố các số liệu, thông tin kinh tế cũng là điều rất quan trọng. Chẳng hạn, chúng ta còn nhớ là năm ngoái, trong vấn đề tỷ giá thì vị thế tiền đồng bị đả phá rất mạnh. Người ta đã kỳ vọng Chính phủ Việt Nam cần phá giá VND. Trong bối cảnh đó, thống đốc và bộ trưởng Tài chính đã lần đầu tiên chia sẻ thông tin về dự trữ ngoại hối. Sau đó, thống đốc đã phát biểu: tôi là thống đốc và tôi không ủng hộ điều đó (phá giá VND). Việc này cho thấy công khai thông tin đã giúp lấy lại niềm tin thị trường.
Theo tôi, chia sẻ thông tin là điều tối quan trọng, và tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam rút ra được bài học này cho những năm trước mắt.
Dưới góc độ chuyên môn, theo ông, nên thu thập và công bố thông tin như thế nào?
Mỗi bộ khác nhau trong Chính phủ đều phải có trách nhiệm thu thập, xử lý và công bố thông tin theo phân cấp. Thu thập thông tin chỉ là một vế, chia sẻ và công bố thông tin mới quan trọng. Ví dụ, số liệu về thất nghiệp phải là trách nhiệm của bộ Lao động – thương binh và xã hội. Số liệu tài chính thì là trách nhiệm của bộ Tài chính, về tiền tệ thì là của ngân hàng Nhà nước, nghĩa là có các trách nhiệm khác nhau tuỳ thuộc vào chức năng của các cơ quan chính phủ. Một số các số liệu kinh tế quan trọng thì thuộc tránh nhiệm của tổng cục Thống kê.
Số liệu không nên chỉ nằm trong một bộ, mà cần chia sẻ giữa các bộ, ngành trong Chính phủ và cộng đồng để giúp đánh giá được tình hình thực tế và sự phản ứng chính sách của Chính phủ. Thiếu hụt số liệu và thông tin thường xuyên sẽ tạo ra những áp lực không cần thiết cho nền kinh tế. Tôi tin là Chính phủ đã đúc kết được bài học quan trọng này trong cuộc khủng hoảng.
Tôi nhấn mạnh, ít nhất trong vài năm qua, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là ngân hàng Nhà nước đã cải thiện việc công bố thông tin hơn trước. Ít nhất, danh sách các lĩnh vực thông tin có thể công bố đã được đưa ra, nghĩa là đã xuất hiện những dấu hiệu tiến bộ. Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam đã nắm được bài học quan trọng này.
Cuộc khủng hoảng cũng đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống ở Việt Nam như sự thiếu hụt các dữ liệu kinh tế, các biện pháp bảo trợ xã hội, thất nghiệp,… để bảo vệ người dân trước khủng hoảng.
Khủng hoảng là điều không ai muốn, nhưng Việt Nam phải chuẩn bị để đối phó với nó. Điều quan trọng, là Việt Nam phải có những hệ thống như vậy để đối phó, trong trường hợp không may, với khủng hoảng trong tương lai.
Để đối phó với khủng hoảng, Nhà nước đã gia tăng sự quản lý, mệnh lệnh hành chính với nền kinh tế. Bình luận của ông?
Tôi nghĩ, đó chỉ là tạm thời thôi. Nhiều nước, hay phần lớn các nước trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này đều bắt buộc phải hành động như vậy. Nhiều chính phủ đã cố gắng làm việc này để ngăn chặn những điều tồi tệ nhất xảy ra. Cả thế giới đã nhận ra rằng cần phải phối hợp hành động chặt chẽ cùng nhau.
Nhưng cũng có vài điều đáng nói. Chính phủ Việt Nam cần khẳng định các biện pháp can thiệp đó chỉ là ngắn hạn. Khi kinh tế hồi phục trong thời gian tới, thì việc tài trợ cho kinh tế của Nhà nước cần dừng lại. Nhưng trước mắt thì vai trò của Chính phủ phải làm như vậy.
Có điều tôi muốn nhấn mạnh là, ở các nước khác các công ty gặp khó khăn sẽ buộc phải tái cấu trúc rất mạnh và tăng cường hiệu quả nếu họ muốn có hỗ trợ của nhà nước. Việt Nam cần tự hỏi mình, là đã có nhiều công ty có thể trở nên hiệu quả hơn hay chưa khi kinh tế toàn cầu đang hồi phục?
Trong cuộc khủng hoảng này, Việt Nam cần phải tăng cường tính hiệu quả của nền kinh tế, loại bỏ những ngành, hay các doanh nghiệp hoạt động thực sự yếu kém và lãng phí. Đó là cách Việt Nam phải làm để tham gia sâu hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.
(Theo Tư Giang/SGTT)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com