Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến ngày 22/7, chi nhánh đã xử phạt hành chính 16 trường hợp vi phạm niêm yết hàng hóa bằng ngoại tệ và 2 trường hợp mua bán ngoại tệ trái phép.
Thưa ông, mức phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm bị phát hiện nêu trên sẽ như thế nào?
Trong số các trường hợp bị phát hiện, có một doanh nghiệp thu đổi ngoại tệ trái phép là Nguyễn Vũ (ở Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM). Hiện NHNN chi nhánh TP.HCM đang chờ ý kiến về mức phạt của UBND Thành phố. Một cá nhân có vi phạm tương tự đã bị phạt 57 triệu đồng.
Còn 16 trường hợp bị phát hiện vi phạm niêm yết hàng hóa bằng ngoại tệ, theo quy định tại Thông tư 11/2009/TT-BCT, sẽ bị xử phạt hành chính mức tối đa là 30 triệu đồng. Tuy nhiên, UBND TP.HCM còn xem xét đến các tình tiết khác, như vi phạm giấy phép kinh doanh, nên mức phạt có thể sẽ cao hơn.
Trước thực tế nhiều người đã dời về nhà để giao dịch, theo ông, liệu có thể loại bỏ được các quầy thu đổi ngoại tệ trái phép và tình trạng niêm yết giá hàng hóa bằng USD?
Rất khó có thể xóa triệt để tình trạng thu đổi ngoại tệ trái phép, bởi hiện cả Thành phố có trên 350.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng và các cửa hàng kinh doanh vàng bạc này cũng có dấu hiệu của việc thu đổi ngoại tệ.
Còn với việc niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ, do lực lượng quá mỏng so với thực tế thị trường, nên chúng tôi chỉ có thể kiểm tra và xử phạt những đường dây lớn. So với trước khi có chủ trương của Chính phủ, các lực lượng ban ngành đã ráo riết kiểm tra và phần nào hạn chế được tình trạng niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ. Song thực tế hiện nay, vẫn có nhiều đơn vị niêm yết giá bán hàng hóa cả bằng ngoại tệ và VND. Chúng tôi đang xin ý kiến NHNN về biện pháp xử lý, nhưng cũng không cho phép tồn tại các trường hợp này.
Tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM có bao nhiêu quầy thu đổi ngoại tệ được cấp phép, kể từ khi quy định mới có hiệu lực, thưa ông?
Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ngày 11/7/2008 về Quy chế đại lý đổi ngoại tệ có hiệu lực kể từ ngày 4/11/2008. Đến nay, chúng tôi đã cấp phép cho 73 quầy thu đổi ngoại tệ, trong khi trước đó, cả địa bàn có đến 555 quầy thu đổi. Nhiều khả năng từ nay đến cuối năm, tổng số quầy thu đổi ngoại tệ được cấp phép trên địa bàn TP.HCM có thể vẫn nằm dưới con số 100 và không thuộc về các cửa hàng kinh doanh vàng.
Để chấn chỉnh thị trường ngoại tệ, hạn chế được tình trạng thu đổi ngoại tệ trái phép và giảm dần niêm yết giá bán hàng hóa bằng USD, theo ông, cần thêm những giải pháp gì?
Để có thể ổn định được thị trường ngoại tệ, trước hết, cần có sự phối hợp của tất cả các cơ quan ban, ngành, ở nhiều cấp. Thứ hai, đó chính là tác động trở lại của chính sách cho vay VND được hỗ trợ lãi suất, để khi có nhu cầu vốn, doanh nghiệp chỉ thích vay VND, với lãi suất hấp dẫn và tránh được rủi ro tỷ giá.
Ông có thể cho biết số dư huy động ngoại tệ tính đến nay của khu vực TP.HCM?
Thực tế, số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế trên địa bàn TP.HCM trong 7 tháng đầu năm nay chủ yếu theo đà tăng, không như những năm trước là có lúc tăng, lúc giảm. Tính đến nay, huy động vốn bằng ngoại tệ của khu vực TP.HCM tăng 8,3% so với đầu năm, trong đó, tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức kinh tế chiếm khoảng 40-45%. Ngược lại, cho vay bằng ngoại tệ lại giảm khoảng 1,6%, song bắt đầu có chiều hướng tăng trở lại trong một tháng gần đây, cho dù vẫn còn ở mức khá nhẹ.
(Theo Vân Linh // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com