![]() Lễ tôn vinh doanh nhân cũng là một trong những động lực giúp doanh nghiệp, doanh nhân phát triển |
Đề án "Phát huy vai trò doanh nhân VN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" do VCCI đang xây dựng được cộng đồng DN, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đánh giá cao. PGS TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế VN đã có cuộc trao đổi với DĐDN xung quanh nội dung này.
- Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của đề án trong bối cảnh hiện nay ?
Tôi cho rằng đề án này rất quan trọng. Nếu chúng ta không phát triển đội ngũ doanh nhân thì khó có thể nói hội nhập và phát triển kinh tế. Do vậy, cần thiết phải có một đề án phát triển DN, doanh nhân trong bối cảnh hiện nay vì chủ thể của DN là doanh nhân, coi đây là một nhiệm vụ quốc gia mang tính chất trọng tâm.
Ta hay nhấn mạnh vào nhân lực, giáo dục đào tạo... Nhưng tôi cho rằng một trong những hạt nhân của nhân lực chính là doanh nhân, phải làm rõ được đối tượng này, không sẽ rất khó hội nhập, doanh nhân mà không giỏi thì cơ hội hội nhập sẽ trở thành thách thức.
- Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề "tinh thần dân tộc" hiện nay đang được nêu lên trong các diễn đàn DN, doanh nhân bởi nó sẽ là nền tảng để các DN, doanh nhân Việt liên kết tạo sức mạnh cho thương hiệu, hàng hóa VN. Ông đánh giá thế nào về nhận định này ?
Đúng vậy! Có thể nói tinh thần dân tộc là “điều kiện cần” quan trọng của doanh nhân, để doanh nhân thấy mình có một niềm tự hào, trách nhiệm, là động lực rất quan trọng để kết nối, liên kết các DN, doanh nhân với nhau. Tuy nhiên, nói là tinh thần dân tộc không có nghĩa là các DN chỉ "bó" lại với nhau mà không phát triển ra bên ngoài, liên kết và hướng tới hội nhập quốc tế thì đó mới là “tinh thần dân tộc” cao nhất. Nếu “tinh thần dân tộc” chỉ hợp tác, liên kết mang tính cục bộ thì sẽ phản tác dụng, không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy mà hai vế, “tinh thần dân tộc” và “hội nhập quốc tế” là hai vế rất quan trọng, luôn song hành với nhau, “tinh thần dân tộc” tốt thì mới hội nhập tốt. Có tự hào dân tộc, phát triển chính mình trên nền tảng đó thì mới liên kết tốt, liên kết tốt thì mới lớn nhanh được và chỉ lúc đó khái niệm "tinh thần dân tộc" mới có ý nghĩa. Còn nếu không liên kết thì không thể phát triển được, và lúc đó tính dân tộc chỉ là nói suông.
- Ông đánh giá thế nào về tính đoàn kết của DN, doanh nhân Việt hiện nay ?
Tôi cho là thấp, thậm chí có thể nói là rất thấp nếu so với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong điều kiện DN ta còn yếu, còn nhỏ thì tính đoàn kết đáng lẽ ra phải được phát huy nhưng chúng ta lại đang làm ngược lại, độ liên kết rất yếu, báo chí cũng đã nói nhiều về vấn đề này. Cạnh tranh nhiều khi cạnh tranh ngay giữa các DN VN với nhau, mà lẽ ra ta phải đoàn kết, liên kết với nhau để cạnh tranh với các DN nước ngoài. Phải đặt ra câu hỏi, tại sao độ liên kết của DN VN yếu ? Chúng ta xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, cục bộ, phân tán... giờ vào hội nhập rồi, ta phải phân tích rõ tại sao và tìm ra được nguyên nhân. Có như vậy mới tạo ra được "cú hích" cho sự liên kết trong hội nhập của các DN, doanh nhân.
- Hiện nay, việc làm thế nào để xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân chất lượng đang là điều chúng ta đang hướng tới ?
Có mấy yếu tố mà các DN, doanh nhân phải chú ý: Thứ nhất là tầm nhìn chiến lược. Tất nhiên không phải tiềm năng của chúng ta yếu, kém mà do ta chưa quen với một trò chơi lớn.
Thứ hai là năng lực trình độ, kiến thức quản trị, kinh doanh còn mỏng... Chính vì vậy mà các DN, doanh nhân cần phải bổ sung những yếu tố này thì mới hội nhập và cạnh tranh được với các DN quốc tế.
- Nhiều ý kiến cho rằng giờ là thời điểm các DNVN cần tái cơ cấu để phát triển sau khủng hoảng. Quan điểm của ông về điều này ?
Bản chất của khủng hoảng là tái cấu trúc và phân bổ lại nguồn lực và quyền lực. Hiện nay, quá trình này trên thế giới đang diễn ra rất mạnh. Đó là chưa kể đến sức cộng hưởng của các xu hướng lớn khác là toàn cầu hóa và chuyển nhanh sang thời đại công nghệ cao. Trước khủng hoảng, quá trình này đã mạnh, khủng hoảng càng làm gia tốc dịch chuyển tăng lên. Chính điểm này làm cho thế giới đứng trước những cơ hội rất lớn và nhưng cũng đầy rủi ro. Đây là lý do mà Hội nghị Davos ở Thụy Sĩ, diễn ra cuối năm 2008, đặt chủ đề “Định vị thế giới trong tương lai” với nội dung chính là “Tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu”. Rõ ràng thế giới đã nhận diện được thực chất của vấn đề - đó là phải định vị lại thế giới, tái cấu trúc các nguồn lực và quyền lực.
Sau khủng hoảng, theo tôi có ba nhóm tác động đến nền kinh tế VN:
Một là, tác động khủng hoảng ngắn hạn, làm cho nền kinh tế và xã hội gặp rất nhiều khó khăn, cộng hưởng với những khó khăn to lớn trong hai năm “hậu” gia nhập WTO mà nền kinh tế còn chưa thoát khỏi.
Hai là, VN sẽ thoát khỏi khủng hoảng, nhưng những điểm yếu của cơ cấu mà mô hình tăng trưởng không hiệu quả để lại còn nguyên, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Đây là vấn đề căn bản, dài hạn và quyết định triển vọng phát triển của nền kinh tế. Bài toán đặt ra là phải kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc những điểm yếu kém của cơ cấu này để có giải pháp khắc phục chúng căn bản.
Ba là, tác động của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thế giới đến VN. Sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế VN vào nền kinh tế thế giới làm cho tác động này trở nên đặc biệt mạnh mẽ và sâu sắc.
Tổ hợp tác động của ba nhóm yếu tố đó cho phép hình dung đại thể quy mô, tính chất của các thời cơ và thách thức lớn mà nền kinh tế nước ta đối mặt. Nó cũng định vị tầm vóc, nội dung và cách thức tái cơ cấu kinh tế của VN. Đây chính là cơ sở để các doanh nhân VN xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược để vượt lên sau khủng hoảng.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com