Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương, đã có cuộc trao đổi với Đất Việt về việc tin đồn dồn dập xuất hiện thời gian gần đây gây hoang mang cho người tiêu dùng, bên lề hội thảo Nhìn lại kinh tế năm 2009 và những vấn đề của năm 2010 do CLB Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức chiều qua tại Hà Nội.
- Thời gian qua, tin đồn liên tục xuất hiện, từ phát hành đồng tiền mệnh giá một triệu đồng, bỏ bớt chữ số trên tiền VND đến các tin đồn như hết gạo khiến giá tăng vọt, hay những đồn thổi tiêu cực trên thị trường vàng, chứng khoán... Theo ông, nguyên nhân từ đâu?
- Mục đích của tin đồn thường là để đạt một mục tiêu nào đó, nếu trên thị trường là mục tiêu của nhà đầu cơ. Tuy nhiên, tin đồn bắt nguồn từ sự thực, “không có lửa làm sao có khói”. Đó chính là việc hoạch định và cam kết các chính sách của Chính phủ không nhất quán, rõ ràng; thiếu các thông tin hỗ trợ minh bạch, gây mất lòng tin cho người dân.
Chẳng hạn, tiêu biểu nhất là cam kết về điều hành ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Nếu nói về tỷ giá thì phải có các thông tin hỗ trợ đi kèm như lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, ngoại hối… Nhưng những thông tin đó lại thiếu cả về con số và sự minh bạch. Sau cam kết đó, nhiều tháng trời khoảng cách giữa tỷ giá trên thị trường tự do và chính thức liên tục chênh lệch quá xa, doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận nguồn ngoại tệ. Như vậy, rõ ràng những cam kết này không được hỗ trợ bởi tình hình thực tế.
Chính vì vậy, lòng tin bị suy giảm, đây là một chất xúc tác lớn để tin đồn bùng nổ, dựa vào những khó khăn nhất thời. Tin đồn lúc đầu có thể chỉ là que diêm, sau đó được thổi bùng lên thành ngọn lửa.
Từ đây có thể rút ra bài học, việc hoạch định, cam kết và thể hiện chính sách phải được tính toán, xem xét kỹ lưỡng, dựa trên các thông tin hỗ trợ minh bạch trước khi đưa ra thực hiện. Có như vậy mới củng cố được lòng tin của người dân khiến tin đồn nhảm khó mà tồn tại được.
Theo ông Thành, nếu cần thiết vẫn có thể dỡ bỏ sàn vàng.
- Ông nhận định như thế nào về giá vàng trong ngắn hạn và dài hạn?
- Trong ngắn hạn, giá vàng vẫn sẽ tăng, vì đầu cơ vào đồng USD rủi ro, chứng khoán phập phù, còn đầu cơ vào dầu mỏ không có lãi, thế nên các nhà đầu cơ thế giới đang tranh thủ tích trữ vàng. Hơn nữa, một yếu tố khiến giá vàng còn tăng "nóng" trong ngắn hạn đó là Trung Quốc muốn biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế trong khi USD đang trên đà mất giá. Vì vậy quốc gia này đã có động thái mạnh tay trữ vàng thời gian qua.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giá vàng có thể đi xuống, vì vai trò của vàng trong phát triển kinh tế ngày càng nhỏ đi chứ không lớn lên, hơn nữa, tỷ lệ vàng trong tiền dự trữ của thế giới rất ít.
- Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ hai phương án quản lý sàn vàng là đóng cửa sàn vàng hoặc nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%. Quan điểm của ông về đề xuất trên như thế nào?
- Cơ sở của đề xuất trên là hai lập luận cơ bản: đất nước còn nghèo, thu nhập thấp, cần phải quan tâm tới sản xuất hàng hóa, dịch vụ để tạo ra sự tăng trưởng GDP và giá trị thực cho nền kinh tế thực chứ không phát triển quá "nóng" các kênh đầu tư “nhạy cảm” có thể làm méo mó cách nhìn về cuộc sống và các trò chơi kinh doanh.
Thứ hai, nếu các sàn vàng không được quản lý tốt thì sẽ gây mất ổn định, xáo trộn niềm tin trên thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Vì vậy, theo tôi, cần phải quản lý sàn vàng chặt chẽ hơn, nếu cần có thể dỡ bỏ.
- Mới đây, Quốc hội thông qua chỉ tiêu lạm phát năm 2010 dưới 7%. Ông có ý kiến gì về con số này?
- Tôi nghĩ con số lạm phát dưới 7% khó mà thực hiện được. Lạm phát năm 2010 chắc chắn cao hơn năm nay, tuy nhiên không quá cao, mà ở mức lớn hơn hoặc bằng 8%. Nguyên nhân do tăng trưởng tín dụng mạnh và không kiềm soát được thời gian qua, tăng trưởng sẽ tiếp tục bùng phát vào năm tới. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không thực sự quan tâm đến thị trường thiết yếu của mình mà quá chú tâm tới những thị trường mang tính chất "bong bóng" như vàng, bất động sản, chứng khoán…
Một yếu tố quan trọng khác, giá thế giới đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến sự tăng giá của hàng hóa trong nước. Điều nhãn tiền nhất là chỉ số giá tiêu dùng trong nước đang tiếp tục "nóng" lên, đặc biệt là các mặt hàng như xăng dầu, thép, gas. Như vậy, yếu tố giá không còn hỗ trợ cho việc kiềm chế lạm phát nữa, mà bây giờ nó lại là sức ép khiến lạm phát có thể tăng cao.
Hồi đầu năm nay, việc kiềm chế lạm phát là khả thi bởi suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho giá cả thế giới giảm xuống. Nhưng qua năm 2010, kinh tế thế giới phục hồi, giá cả hàng hóa khó mà giảm, ảnh hưởng đến sự tăng giá trong nước.
(Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com