Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

GS – TS Võ Tòng Xuân: Chính sách về “tam nông” phải có cách nhìn mới, tư duy mới

Cuối tháng 6 vừa qua, GS-TS Võ Tòng Xuân - nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp Việt Nam được tỉnh Cà Mau mời truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm quản lý thực hiện chính sách "tam nông" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.

GS-TS Võ Tòng Xuân dành trọn 2 ngày để đi khảo sát thực tế và ghi nhận tình hình sản xuất, đời sống của nông dân, nông nghiệp, nông thôn Cà Mau. GS-TS Võ Tòng Xuân đánh giá:

 

- GS-TS Võ Tòng Xuân đánh giá:Tiếp cận với Cà Mau, tôi thấy rằng Cà Mau có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Cũng như các tỉnh khác ở vùng Bán đảo Cà Mau, tỉnh Cà Mau có ưu thế để phát triển kinh tế thủy sản và nông nghiệp.

Quy mô diện tích nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau đứng đầu cả nước, nhưng thực tế những năm qua nền sản xuất ở Cà Mau chậm phát triển, năng suất và sản lượng nuôi tôm, trồng lúa ở Cà Mau thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực.

Điều này đồng nghĩa với bức tranh đời sống nông dân, nông thôn Cà Mau còn nghèo, là hậu quả của những thực trạng sau đây: Trước nhất, nền sản xuất sau khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất còn mang đậm dấu ấn tự phát, đất đai manh mún, mỗi hộ tự canh tác trên mảnh đất nhỏ bé của mình, rất trở ngại trong việc đầu tư khép kín hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất.

Đặc điểm chung nhất của vùng chuyển dịch ở Cà Mau là mạnh ai nấy làm, đưa đến tình trạng sản phẩm không đồng đều, chất lượng thấp, giá thành cao. Nông dân có thể nuôi, trồng dễ dàng nhưng họ không thể tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi được.

Vì vậy người ta thường xuyên thấy cảnh nông dân "trồng rồi chặt", sản phẩm làm ra có lúc không ai mua, có lúc không đủ bán.

Quy hoạch, bố trí sản xuất

- Phóng viên: Ngoài những yếu tố bất lợi chung như GS-TS vừa đề cập, kết cấu hạ tầng nông thôn của Cà Mau thấp kém, nhất là hệ thống thủy lợi chưa phục vụ tốt cho yêu cầu sản xuất. GS-TS nhận định vấn đề này như thế nào?

- GS-TS Võ Tòng Xuân: Thực tế ở Cà Mau là "vùng trũng" về kết cấu hạ tầng nông thôn so với các tỉnh trong khu vực. Khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất ồ ạt, với quy mô lớn, Cà Mau chưa đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm, mà chỉ tận dụng hệ thống thủy lợi sẵn có trước đó nên không thể đáp ứng yêu cầu sản xuất của người nuôi tôm.

Thực trạng này kéo dài trong nhiều năm nay, dẫn đến một hệ lụy là nền sản xuất kém phát triển, triệt tiêu lẫn nhau. Hiện nay trong vùng chuyển dịch của Cà Mau nơi này nông dân xổ nước thải ra, nơi khác lấy vào để nuôi tôm, nên mầm bệnh dễ lây lan.

Khảo sát thực tế cho thấy, hệ thống thủy lợi ở Cà Mau còn nhiều bất cập. Đặc biệt là vùng ngọt hóa bị phá sản, chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau không phát huy hiệu quả sử dụng, gây lãng phí lớn.

Hệ thống cấu trúc thủy lợi ngăn mặn, điều tiết nước không đạt yêu cầu. Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi chưa khép kín, đồng bộ, nước mặn dễ xâm nhập vào vùng ngọt hóa, làm cho nông dân tiến thoái lưỡng nan trong quá trình đầu tư cho sản xuất.

 

- Phóng viên: Để khắc phục thực trạng này, GS-TS có gợi ý gì?

- GS-TS Võ Tòng Xuân: Để nền sản xuất ở Cà Mau phát triển, yếu tố đầu tiên là phải bố trí quy hoạch lại sản xuất đồng bộ theo hướng liên kết sản xuất tập trung từng vùng, từng khu vực. Nơi nào có điều kiện sản xuất chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng… thì khoanh vùng lại.

Trên cơ sở đó hình thành các dự án đầu tư đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất, quy hoạch hệ thống thủy lợi theo hướng riêng biệt, trong đó có hệ thống kinh mương để lấy nước vào vùng nuôi tôm, và một hệ thống kinh mương xổ nước thải ra để xử lý.

Trong điều kiện nền sản xuất ở Cà Mau manh mún, khó hình thành các vùng sản xuất tập trung. Thế nhưng có thể vận dụng kinh nghiệm của một vài tỉnh miền Trung là thực hiện "dồn điền, đổi thửa" để bố trí các vùng thủy sản tập trung có quy mô lớn, dễ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất.

Thực hiện chủ trương này, trước mắt có thể gây xáo trộn cho nền sản xuất, người dân sẽ tốn kém chi phí đầu tư, nhưng về lâu dài, lợi tức của người dân sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Kinh nghiệm một số nước trong khu vực là hình thành các vùng sản xuất theo quy trình khép kín rất có hiệu quả, từ khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến xuất khẩu.

Nếu tổ chức thành công theo mô hình này, sẽ tạo ra một nền sản xuất hiện đại, có lớp nông dân sản xuất trình độ kỹ thuật cao, sản phẩm làm ra hàm lượng chất xám cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường và đời sống của nông dân chắc chắn sẽ tăng lên, hình thành các vùng nông thôn kiểu mới theo hướng hiện đại.

SẢN XUẤT GẮN VỚI THỊ TRƯỜNG

- Phóng viên: Vấn đề mấu chốt là hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước đối với "tam nông" chưa đồng bộ, khi nào người nông dân còn tự bơi trong biển cả của thị trường thì không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, bấp bênh. Theo GS-TS giải quyết vấn đề này ra sao?

- GS-TS Võ Tòng Xuân: Đây là một vấn đề thời sự, không riêng gì người nông dân Cà Mau mà đây là thực trạng chung của nông dân Việt Nam hiện nay.

Trước nhất nhận diện vấn đề này là nông dân còn sản xuất cá thể một cách tự phát, nuôi, trồng một cách quá tự do, không tổ chức. Kiểu làm này đã khiến cho họ gặp rất nhiều rủi ro, khi thì hàng hóa bị ứ đọng không ai mua hoặc phải bán với giá rẻ, khi tìm mua không có hàng.

Nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật không đồng đều, chưa tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, nên tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh dễ xâm nhập đồng ruộng khiến họ phải sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, làm ô nhiễm môi trường, đẩy giá thành sản xuất cao, làm giảm chất lượng sản phẩm.

Thêm vào đó, đặc thù của Cà Mau sản xuất phân tán, sản phẩm nhỏ lẻ, không đồng nhất nên không thể đăng ký thương hiệu.

Hệ thống tiêu thụ sản phẩm qua thương lái là chính, gần như không có sự liên kết nào giữa nông dân và doanh nghiệp và thiệt thòi chính vẫn là nông dân!

- Phóng viên: Từ thực tế đó, Cà Mau cần phải làm gì để nền sản xuất phát triển ổn định, bền vững, thưa GS-TS?

- GS-TS Võ Tòng Xuân: Điều cần làm đầu tiên là phải có tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân tiếp cận khoa học - công nghệ và phương pháp quản lý hiện đại.

Ở Cà Mau nhiều vùng có điều kiện phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm - lúa, tôm - rừng là những sản phẩm sạch nhưng do chúng ta chưa làm tốt khâu quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm.

Tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn là có những chính sách nông thôn phù hợp. Trước nhất, Nhà nước đầu tư đồng bộ để hình thành các vùng nông thôn kiểu mới.

Ở đó kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển, nông dân có công ăn việc làm, mở rộng thị trường cho nông thôn, nâng cao trình độ quản lý nông thôn; tối thiểu nông dân phải được đào tạo có tay nghề, có kiến thức và kỹ năng đủ để tham gia các hoạt động kinh tế cạnh tranh.

Vấn đề có tính quan trọng là không áp dụng chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đối với dân nghèo để tạo điều kiện cho họ có vốn tái đầu tư sản xuất. Nhất thiết Nhà nước phải có một hệ thống chính sách khuyến khích, theo mô hình liên kết "4 nhà" để hình thành chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản của nông dân, từ khâu liên kết sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm, phân phối ra thị trường.

Lúc đó, bức tranh đời sống nông thôn sẽ khởi sắc.

- Phóng viên: Xin cảm ơn GS-TS!

(Theo ĐỨc Toàn // Báo Cà Mau )

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi