![]() |
Giao dịch tại Ngân hàng thương mại CP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: L.T |
Điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá không chỉ liên quan đến các doanh nghiệp (DN), cũng không đơn thuần là bài toán riêng của ngân hàng (NH). Đây là bài toán khó của cả nền kinh tế khi mức độ hội nhập kinh tế thế giới đã sâu rộng, nhưng vẫn muốn duy trì chính sách tiền tệ tương đối độc lập.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định như vậy với PV báo Hànộimới khi trao đổi về vấn đề căng thẳng cung-cầu USD thời gian qua.
- Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định nền kinh tế không thiếu USD, nhưng thực tế thị trường đã căng thẳng nhiều tháng nay. Vậy, theo ông đâu là “nút thắt”?
- Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng căng thẳng trên thị trường trong thời gian qua. Một là, do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động đến tâm lý “găm” giữ ngoại tệ. Nhiều DN xuất khẩu “găm” giữ, không bán ngoại tệ, nên các NH không có đủ ngoại tệ để điều hòa cho nền kinh tế. Thêm nữa, giới đầu cơ đã đưa ra những tin đồn thất thiệt, chẳng hạn như tin đồn về việc NHNN sẽ tiếp tục phá giá thêm 5% khiến dư luận hoang mang, gây nên biến động tỷ giá trên thị trường “chợ đen”. Hai là, do tác động phụ của chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất, khiến cho lãi suất vay VND trở nên hấp dẫn chỉ còn khoảng 5-6% sau khi đã được hỗ trợ lãi suất. Vì vậy, một số DN có tâm lý muốn vay VND và giữ ngoại tệ để chờ thu lợi từ chênh lệch giá. Do đó, nếu giải tỏa được yếu tố tâm lý và xử lý hài hòa lợi ích của việc giữ VND và USD, sẽ giải quyết được tình trạng trên.
- Như vậy, đã nhìn thấy “nút thắt”, nhưng hơn 3 tháng nay việc “cung” USD trên thị trường vẫn “tắc”, ông lý giải điều này thế nào?
- Trước hết, phải khẳng định tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta trong những tháng đầu năm đã được cải thiện so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ lạm phát và nhập siêu được giữ ở mức thấp. Nền kinh tế đã dần khôi phục đà tăng trưởng. NHNN đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định thị trường và công bố những thông tin về kinh tế vĩ mô để người dân và DN hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế đất nước và các chính sách. Về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, NHNN đang cân nhắc các phương án điều chỉnh để đạt được hai mục tiêu là giúp DN thích ứng với việc chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ kết thúc và giảm bớt tác động phụ đối với thị trường ngoại tệ. Các NH cũng đồng thuận giảm lãi suất cho vay USD xuống còn 3-3,5%/năm để tạo điều kiện cho các DN vay. Tuy nhiên, các chính sách kinh tế vĩ mô đưa ra luôn có độ trễ trước khi phát huy đầy đủ tác dụng...
- Để giảm áp lực thiếu USD, NHNN có tiếp tục tăng thêm “cung” USD cho thị trường?
- Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi tại sao NHNN không chọn cách dễ để làm, chỉ cần bán thêm nhiều USD, tăng lượng cung USD là có thể ổn định thị trường. Tuy nhiên, khi lựa chọn các biện pháp điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá, NHNN luôn phải bảo đảm sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế, nhất là trong điều kiện nước ta là một nước nhập siêu, dự kiến sẽ còn nhập siêu trong những năm tới. Một yếu tố quan trọng cũng cần phải tính đến là khi có sẵn nguồn ngoại tệ các DN lại ồ ạt nhập khẩu, nhất là những mặt hàng không thiết yếu, làm tăng nhập siêu, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất trong nước. Mặc dù có một số DN phàn nàn, nhưng điều hành chính sách phải xét đến lợi ích của toàn bộ nền kinh tế. Bởi thế, ngoại tệ là câu chuyện của cả nền kinh tế chứ không chỉ liên quan đến các DN nhập khẩu.
Tương tự như vậy, ngay từ khi thiết kế chương trình hỗ trợ lãi suất, Chính phủ và NHNN đã lường trước được những tác động phụ đối với thị trường ngoại tệ, nhưng để hỗ trợ các DN vượt khó, vẫn phải kiên quyết triển khai chương trình này vì lợi ích chung của cả nền kinh tế.
- Không ít DN phàn nàn, những biện pháp “siết chặt quản lý” gần đây của NHNN chỉ càng làm tăng chi phí mua USD thực tế của họ, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đây không phải là việc ban hành các chính sách mới, mà chỉ là các biện pháp tăng cường sự tuân thủ của những chính sách đã có. Khi tình hình thị trường có sự thay đổi, DN và NH cũng phải có sự điều chỉnh nhất định. DN có thể lựa chọn vay USD, hiện lãi suất chỉ còn 3-3,5%, hoặc có thể đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Theo thống kê của NHNN, những tháng đầu năm dư nợ cho vay ngoại tệ giảm. Tuy nhiên, những tuần gần đây với các biện pháp điều hành của NHNN, dư nợ cho vay ngoại tệ đã tăng trở lại. Đây là dấu hiệu tích cực thể hiện sự điều chỉnh và năng động của cả NH lẫn DN.
- Vì sao NHNN không rút ngắn khoảng cách tỷ giá trong - ngoài, mà dùng các biện pháp “cắt ngọn” khiến cả NH và DN đều phải “lách” cơ chế khi có giao dịch?
- NHNN đã triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, những biện pháp chấn chỉnh chỉ là để bổ sung cho các biện pháp kinh tế. Thị trường nào cũng vậy, không thể buông lỏng quản lý trừ khi tỷ giá được thả nổi hoàn toàn và điều này sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Ngoài ra, cần xem lại cách hành xử của một số DN xuất khẩu đã được hỗ trợ khi vay vốn để xuất khẩu, nhưng khi thu được ngoại tệ lại không bán cho NH. Theo dự báo của NHNN, các luồng ngoại tệ chuyển vào gồm FDI, vay trung dài hạn, kiều hối... 5 tháng cuối năm tương đối khả quan, hoàn toàn có thể bù đắp thâm hụt thương mại. Do vậy, các DN đang găm giữ USD sẽ phải tính lại, nếu không họ cũng sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế với mặt bằng lãi suất USD và VND như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Thanh Nga // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com