![]() |
Ông Phạm Quang Vinh |
Con thuyền ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với hai dấu mốc quan trọng, đó là sự ra đời Hiến chương ASEAN - khung pháp lý chung của các nước ASEAN và việc thông qua lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Hiến chương ASEAN đã có hiệu lực từ ngày 15/12/2008, nhưng hiện còn nhiều việc phải tiếp tục triển khai, nhất là hoàn thiện tổ chức bộ máy mới và phương thức hoạt động, cũng như hoàn tất các văn kiện pháp lý liên quan. ASEAN từ chỗ là một tổ chức liên kết lỏng lẻo và ra đời trên cơ sở một tuyên bố chính trị, đến nay đã chính thức có tư cách pháp nhân với Hiến chương ASEAN.
Tuy nhiên, để tư cách pháp nhân có giá trị trong thực tế cuộc sống, nhiều văn kiện pháp lý liên quan cần phải được hoàn tất. Bộ máy mới của ASEAN, nhất là hội đồng cấp Bộ trưởng và ủy ban các đại diện thường trực về ASEAN, cần hoạt động trôi chảy và có hiệu quả.
Năm 2010 là năm “bản lề” để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng và hoạt động thực sự trên cơ sở Hiến chương ASEAN. Trước khi đảm nhận công việc Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã trao đổi với các nước ASEAN và các nước đối tác và các nước đều thấy rằng, đã đến lúc cần hiện thực hoá tầm nhìn và các chương trình đã được các nước ASEAN nhất trí thông qua thành những hành động thiết thực hiệu quả. Vì vậy, chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động” mà chúng ta đề xuất cho năm nay đã được các nước nhất trí cao.
Những ưu tiên trong năm nay tập trung vào 3 cụm vấn đề lớn. Một là, tăng cường đoàn kết, liên kết nội khối, tạo nền tảng cho sự phối hợp hành động của các nước ASEAN. Hai là, đẩy mạnh triển khai hiệu quả Hiến chương ASEAN và Lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Ba là, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các nước đối tác. Một ưu tiên tiếp theo là tăng cường hợp tác trong ASEAN nhằm ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Hội nhập kinh tế và tận dụng những cơ hội do hội nhập mang lại là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước ASEAN. Việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN đang đi tới đâu?
Là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN (kinh tế, chính trị - an ninh và văn hoá - xã hội), cộng đồng kinh tế được thiết kế nhằm tạo dựng thị trường duy nhất với 570 triệu dân và cơ sở sản xuất thống nhất trong ASEAN vào năm 2015 với sức cạnh tranh cao và thúc đẩy mạnh mẽ luân chuyển hàng hoá, dịch vụ, đầu tư trong khu vực. ASEAN là khu vực có tiềm năng lớn với tổng GDP 1.500 tỷ USD, tổng thương mại 1.700 tỷ USD (năm 2008).
Năm 2010 là năm bản lề để thực hiện mục tiêu này. Kể từ đầu năm nay, 6 nước phát triển hơn trong ASEAN (Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei) áp dụng thuế suất bằng 0% đối với hầu hết mặt hàng. 4 nước còn lại (ASEAN 4 - Việt Nam, Lào, CampuchiaMyanmar) sẽ thực hiện vào năm 2015.
Ngoài ra, các nước sẽ hướng tới việc đơn giản hoá thủ tục đầu tư kinh doanh, đồng thời xoá bỏ hết những hàng rào phi thuế quan vào năm 2015. Mười nước ASEAN phấn đấu tạo ra chính sách một cửa quốc gia vào năm 2015, trong đó Singapore và Brunei bắt đầu áp dụng, còn Việt Nam sẽ cố gắng thực hiện vào năm 2013. ASEAN đưa ra mục tiêu đến năm 2015, sẽ kết hợp 10 chế độ một cửa từng nước thành chế độ một cửa chung của cả ASEAN.
Như vậy, có thể hiểu ASEAN đang theo đuổi mô hình thị trường chung giống Liên minh châu Âu (EU)?
Thực ra, ASEAN và EU có những đặc thù kinh tế, chính trị rất khác nhau. Ví dụ, trình độ, quy mô kinh tế của các nước EU tương đối đồng đều, trong khi đó có sự khác biệt và khoảng cách rất lớn giữa các nước ASEAN.
Những sự khác biệt và đa dạng cho thấy quyết tâm và nỗ lực đồng hành rất lớn của cả 10 nước ASEAN trong việc hướng tới một cộng đồng chung. Những khác biệt này cũng đòi hỏi ASEAN có những bước đi khác với EU. Các nước cùng hướng tới một đích chung là năm 2015, nhưng có những bước đi phù hợp với từng quốc gia.
Vì vậy, ASEAN đã xây dựng công thức ASEAN - X. Nghĩa là 10 nước cùng hướng tới một thể thống nhất, nhưng không cản trở ai có khả năng đi trước, miễn là đến năm 2015 thì gặp nhau. Trong năm 2010, là nước Chủ tịch, Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình này và sẽ cùng các nước ASEAN tiếp tục dành ưu tiên cao cho việc kết nối cơ sở hạ tầng - một yếu tố then chốt của việc xây dựng cộng đồng kinh tế - từ hạ tầng giao thông cho đến hạ tầng thương mại, dịch vụ, viễn thông…
Với những vấn đề thiết thân nổi cộm khác như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, ASEAN đã và sẽ xử lý thế nào trong năm nay?
Một trong những trọng tâm trong năm 2010 của ASEAN là làm sao đảm bảo điều kiện và phối hợp chính sách để phục hồi kinh tế và hướng tới sự phát triển bền vững khu vực. Năm ngoái, ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã rất tích cực nâng tầm sáng kiến Chiangmai đa phương hoá - một cơ chế hoán đổi ngoại tệ trị giá 120 tỷ USD nhằm cảnh báo và ứng phó với nguy cơ và rủi ro tài chính khi khủng hoảng xảy ra. Đến nay, hầu hết các điều kiện về kỹ thuật và pháp lý của cơ chế này đã cơ bản hoàn tất và hy vọng cơ chế này sẽ đi vào thực hiện trong quý I/2010.
Về dịch bệnh, sau những đợt bùng phát không biên giới của dịch bệnh SARS, H5N1 hay H1N1, bản thân các nước ASEAN và cả các nước đối tác đã có những thoả thuận hợp tác trong việc thông tin cảnh báo và cùng phối hợp kiểm soát xuyên biên giới, hỗ trợ cung cấp khẩn cấp thuốc phòng dịch và chuyển giao kỹ thuật sản xuất thuốc. Nhiệm vụ của ASEAN là làm thế nào để đưa các cam kết ở tầm chính sách này vào thực hiện.
ASEAN đang có những hợp tác khá chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai. Ngay sau sự kiện sóng thần Tsunami cuối năm 2004 và động đất ở Indonesia đầu năm 2005, 10 nước ASEAN đã ký hiệp định về ứng phó với thảm hoạ thiên tai. Tuy hiệp định này chỉ có hiệu lực từ ngày 24/12/2009, nhưng cơ chế phối hợp của ASEAN đã sớm cho thấy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả cơn bão Nagris xảy ra năm 2008. Đặc biệt, ASEAN đã trở thành cây cầu nối, đóng góp rất lớn trong việc xoá đi khoảng cách thiếu lòng tin giữa cộng đồng quốc tế và nước chủ nhà, nhờ đó mang lại những hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho người dân Myanmar.
Hiệp định ứng phó với thảm họa thiên nhiên của ASEAN đã đề ra những biện pháp rất hiệu quả, đặc biệt trong công tác bố trí lực lượng dự phòng. Và việc thực hiện Hiệp định này chắc chắn sẽ giúp nâng cao năng lực của ASEAN trong lĩnh vực này. Việt Nam hiện đã có những chuẩn bị để chủ động đề xuất sáng kiến và ứng phó kịp thời với những rủi ro thiên tai, dịch bệnh bất chợt xảy ra.
Một Việt Nam mới trong một ASEAN mới
Có ý kiến cho rằng, sau 15 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam từ vị trí “dự bị” đã trở thành một trong những “tiền đạo” trong sân chơi ASEAN. Việt Nam sẽ giữ vị trí nào trong ASEAN trong những năm tới đây?
Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, hợp tác ASEAN là một ưu tiên chiến lược và là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong 15 năm qua, chúng ta đã tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng cho Hiệp hội và trong giai đoạn mới, chúng ta chủ trương tham gia hợp tác ASEAN theo phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, góp phần xây dựng một ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh hơn.
Với tinh thần này và bề dày kinh nghiệm hội nhập quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực và vị thế của chúng ta trong ASEAN sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tới.
Và chúng ta sẽ để lại những dấu ấn nào trong năm Chủ tịch này?
Chúng ta sẽ phấn đấu chủ động đề xuất các sáng kiến thiết thực và biện pháp phù hợp để tăng cường đoàn kết và hợp tác trong ASEAN cũng như quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Chúng ta cũng mong muốn đóng góp để tìm giải pháp để phục hồi và phát triển bền vững các nền kinh tế trong khu vực.
Việt Nam đã từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên vào năm 2001. Ông có tự tin rằng, chúng ta sẽ có được nhiều thành công hơn trong vị trí Chủ tịch năm nay?
Chắc chắn. Với một ASEAN mới, một Việt Nam mới chững chạc trong hội nhập và phát triển kinh tế, có vị thế quốc tế và quan hệ quốc tế nhiều hơn, chắc chắn chúng ta sẽ thành công và để lại nhiều dấu ấn trong hợp tác ASEAN.
(Theo Bình Châu // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com