TS Trần Du Lịch (ĐB TPHCM) cho rằng phải xác định được từng tập đoàn, tổng công ty tồn tại với mục đích gì, điều lệ của một tập đoàn kinh tế phải là một đạo luật.
![]() |
TS Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Đến thời điểm này Bộ KH&ĐT đã trình đề án tái cấu trúc nền kinh tế như kế hoạch chưa, thưa ông?
Tôi chưa nhận được đề án này. Bộ KH&ĐT có gửi một tập tài liệu, gọi là sơ thảo về đề án tiếp tục đổi mới và chuyển dịch kinh tế để QH tham khảo. Tuy nhiên, nếu theo nhóm giải pháp đầu tiên mà Thủ tướng nêu thì phải là hoàn thiện đề án tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tôi mong rằng Chính phủ sớm chi tiết hóa đề án này. Chúng ta phải sử dụng chính sách vĩ mô để chuyển hướng nền kinh tế có tính cạnh tranh cao hơn, khắc phục những yếu kém nội tại.
Chuyển hướng mô hình tăng trưởng cần tập trung vào những điểm gì, thưa ông?
Chúng ta từ một nước nông nghiệp đi lên, dựa vào gia công, khai thác tiềm lực nông nghiệp và lao động rẻ. Từ nền kinh tế sản xuất nhỏ mà tăng trưởng nhiều năm liên tục như vậy là được. Nhưng trong điều kiện hậu khủng hoảng toàn cầu, người ta đang chạy đua về năng suất, chất lượng, cạnh tranh thì chúng ta phải tái cấu trúc lại.
Đó là yêu cầu của cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm. Chúng ta phải chuyển từ tăng trưởng dựa trên vốn sang tăng trưởng dựa trên giá trị gia tăng. Chính giá trị gia tăng mới đóng góp lớn vào GDP.
Chính phủ cho rằng, cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, điều này được hiểu thế nào, thưa ông?
Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, mà chưa quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để họ xây dựng sản phẩm, tái cấu trúc đầu tư, phát triển thương hiệu.
Trong ngành ôtô, dệt may, điện tử, hàng tiêu dùng… đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực mà Nhà nước cần hỗ trợ để họ xây dựng những doanh nghiệp mang tính Việt Nam.
Chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là rất đúng nhưng để cho sản phẩm Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trên thị trường nội địa thì chính sách hỗ trợ đóng vai trò rất lớn. Việc xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc là như vậy.
Thủ tướng cho rằng các tập đoàn, tổng Cty nhà nước phải đi đầu trong tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhưng với những tồn tại hiện nay thì đội ngũ này có làm được không, thưa ông?
Tôi đã nhiều lần kiến nghị là phải xây dựng luật quản lý vốn để luật hóa việc nhà nước đi kinh doanh. Khi đó, phải làm rõ mô hình tổ chức như thế nào và ai kiểm soát việc kinh doanh này?
Hiện nay, các tập đoàn, tổng Cty nhà nước kinh doanh mà ông chủ của mình là nhà nước không hề lấy lợi nhuận. Trong khi, các công ty cổ phần thì họ phải chia lợi nhuận cho cổ đông.
Đối với từng tập đoàn, tổng Cty, chúng ta phải xác định để tồn tại với mục đích gì. Ông nào không hoàn thành nhiệm vụ phải xử lý, có cơ chế bổ nhiệm, trách nhiệm rõ ràng. Ông nào kinh doanh thì kinh doanh thuần túy, ông nào thực hiện mục tiêu phi lợi nhuận cũng phải rõ. Không thể đánh đồng như hiện nay.
Tại các nước, điều lệ của một tập đoàn kinh tế phải là một đạo luật, ví như Petronas của Malaysia có một đạo luật riêng về hoạt động của đơn vị này. Khi đó, Quốc hội mới giám sát được.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Ngọc Tiến/TPO)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com