Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm tăng 3,47% so với tháng 12/2008. Đây là con số khá đẹp so với tốc độ lạm phát tăng phi mã năm 2008. Tuy nhiên trên thực tế, CPI vẫn tăng đều đặn do kinh tế thế giới đã có dấu hiệu ấm lại. Giá một số nguyên liệu và hàng tiêu dùng nhập khẩu bắt đầu điều chỉnh tăng trong tháng 8/2009.
- Kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc dù chưa rõ nét. Theo đánh giá của ông, giá các loại nguyên liệu cơ bản sẽ diễn biến theo hướng nào ?
Hiện nay, kinh tế thế giới bắt đầu thoát khỏi suy thoái. Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm đã tác động tới niềm tin và sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ; đồng thời, sự biến động bất thường của USD cũng đang khuyến khích hoạt động đầu tư vào thị trường hàng hóa.
Đây là những nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng từ nay tới cuối năm sẽ điều chỉnh tăng. Thời điểm cuối năm cũng là mùa đông, vì vậy, giá cácloại chất đốt là dầu, ga thường tăng cao. Riêng giá các loại nguyên liệu cơ bản sẽ bám sát tình hình phục hồi của kinh tế thế giới. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá nguyên liệu và các loại hàng hóa từ nay đến cuối năm là bình thường. Song theo tôi sẽ không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
- Với diễn biến tăng CPI 8 tháng qua, theo ông, tốc độ lạm phát năm 2009 sẽ ra sao ?
Lạm phát năm nay được dự tính ở mức 7-8% và khó có thể vượt qua ngưỡng đó. Bởi từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng, trong khi đến tháng 8, CPI mới tăng 3,47%. Đây là mức tăng khá thấp và hợp lý trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, một trong những lo ngại là lượng tiền khổng lồ từ gói kích cầu 1 sẽ khiến lạm phát tăng cao; song đến nay, gói 1 đã giải ngân gần hết nhưng chỉ số giá vẫn ở mức ổn định. Giả định nếu Chính phủ có tiếp tục triển khai gói 2, chúng ta phải thu hồi tiền trên lưu thông để sử dụng thì thậm chí không có cớ để lạm phát tăng. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, tín dụng thường tăng cao và trở thành yếu tố đẩy lạm phát. Nhưng với hiện trạng kinh tế hiện nay, khả năng lạm phát tăng đột biến khó có thể xảy ra.
- Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng chủ yếu như: xăng dầu, thép, khí hóa lỏng... có xu hướng tăng cao theo đà hồi phục kinh tế. Liệu điều này có ảnh hưởng tới diễn biến giá cả nói chung ?
Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý giá, trong tháng 8, giá bán thép xây dựng tăng khoảng 300-400.000 đồng/tấn; giá xăng dầu cũng điều chỉnh tăng hai lần do giá xăng, dầu thế giới tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng do lượng dự trữ xăng dầu sụt giảm và kinh tế trên đà hồi phục. Do tác động của giá dầu thô, giá gas cũng tăng 40-50 USD/tấn... Đây là những yếu tố khiến CPI tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, việc Chính phủ thực hiện các chính sách miễn giảm thuế cho DN kết hợp với việc các bộ, ngành cùng tham gia cân đối cung – cầu hàng hóa, nên thị trường trong nước sẽ tiếp tục được giữ vững. Đây là yếu tố tích cực để bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm.
- Như vậy, kịch bản tăng giá theo quy luật thường xảy ra trong những tháng cuối năm đặc biệt là dịp Tết sẽ không xảy ra trong năm nay ?
“Tình hình hiện nay đòi hỏi sự thận trọng cao độ trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để tránh lạm phát tăng cao trở lại”. |
Theo tôi, CPI những tháng cuối năm vẫn sẽ tăng cao bởi nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân quan trọng do sức mua của người dân đang có xu hướng tăng ở cả cấp độ gia đình và toàn xã hội. Điều này hơi trái ngược bởi ở một số nước, tiêu dùng suy sụp đáng kể theo tốc độ suy giảm kinh tế thậm chí xuống mức âm (-). Tuy nhiên, VN là một thị trường mới, với dân số trẻ và sức mua khá cao. Đây là yếu tố thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và cũng tác động lên tốc độ tăng giá. Nhưng đối với những biến động giá cả trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán thì khó có thể nói trước điều gì.
- Ông có thể đưa ra một vài dự báo về tốc độ tăng giá cả năm 2009 ?
Theo tôi, lạm phát năm nay sẽ ở mức 1 con số. Đây là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế VN trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thoái khỏi suy thoái và khủng hoảng. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đòi hỏi sự thận trọng cao độ trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để tránh lạm phát tăng cao trở lại. Bởi kiềm chế được lạm phát là sẽ có tác động tích cực đến việc ổn định kinh tế xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ triển khai các chính sách ổn định kinh tế và an sinh xã hội.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo Hoàng Lan // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com