Vừa qua, cả tập đoàn Than – khoáng sản và tập đoàn Điện lực Việt Nam đều đã gửi văn bản tới bộ Tài chính đề nghị tăng giá bán than, bán điện trong năm 2010. Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ liên quan để đánh giá các đề nghị này và trình Chính phủ hướng điều chỉnh giá bán sản phẩm của các tập đoàn trên. Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về quan điểm của ông trước vấn đề này và hướng điều hành giá cả chung năm 2010.
Vừa rồi, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, bộ Tài chính và bộ Công thương có đề xuất gì về việc tăng giá than, giá điện không và ý kiến của Thủ tướng như thế nào, thưa ông?
Bây giờ phải rà soát theo danh mục các mặt hàng Nhà nước còn quản lý giá. Đơn vị nào chưa đi theo thị trường thì phải kiên trì thực hiện chính sách thị trường hoá. Như than chẳng hạn, hết năm 2009 là phải thị trường hoá hoàn toàn rồi nhưng chắc phải trèo sang quý 1 một chút. Vì làm chậm quá nên hết quý 1 phải đi theo thị trường thôi, để hạch toán cho đúng. Còn xăng dầu thì rõ rồi. Hiện nay, ngoài than chỉ còn giá điện nữa thôi. Giá điện thì chủ yếu do bộ Công thương quyết định. Thủ tướng đã khẳng định tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ vừa rồi là vẫn phải đi theo thị trường. Giá điện thị trường hoá thì giá than cũng phải đi theo.
Phải thị trường hoá giá điện, than… nhưng với những đề nghị tăng giá như của tập đoàn Than – khoáng sản hay của tập đoàn Điện lực vừa rồi, tăng tới 14%, liệu nó có gây ra cú sốc quá lớn cho thị trường?
Điện tăng giá theo than thế nào thì phải tính toán cụ thể, phải nghiên cứu tổng thể hơn. Cần tính toán, đánh giá tác động cụ thể của giá điện đến từng ngành sản xuất và nền kinh tế nói chung. Không thể nói đơn giản là cứ giá than tăng là giá điện phải tăng mạnh theo. Như than vừa rồi, tăng giá bán cho mấy ngành khác (hoá chất, phân bón, thép, giấy), có phải tăng một lúc ngay đâu, cũng phải qua ba – bốn bước. Năm ngoái phải qua ba bước (tăng ba lần theo các mức giá khác nhau), nếu tăng ngay một lần thì nguy hiểm lắm. Chúng ta cũng rất muốn đi nhanh, nhưng chính vì để dồn lâu quá nên phải chia nó ra, để không gây sốc cho thị trường. Bởi vì than không phải là mặt hàng bình thường. Nó là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất khác.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình bộ Tài chính và bộ Công thương bốn phương án tăng giá điện khác nhau dựa trên phương án tăng giá than của tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam. Phương án 1: nếu giá than tăng 138% so với mức giá than đang bán cho EVN hiện nay, giá điện sẽ tăng 14%. Phương án 2: giá bán điện chỉ tăng trên 9% nếu giá bán than chỉ tăng 47%. Phương án 3: giá điện tăng gần 7% nếu giá than tăng 15%. Phương án 4: giá điện tăng trên 6% nếu giá than chỉ tăng 10% cho điện. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, giá điện chỉ nên tăng ở mức 10 – 11% là hợp lý. Thứ trưởng bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cũng cho rằng, nếu giá than tăng như đề xuất của tập đoàn Than – khoáng sản thì giá điện sẽ phải tăng tới gần 18% là mức quá cao và nhiều ngành sản xuất sẽ không chịu đựng nổi mức gia tăng quá nhanh của giá điện. Theo ông Hào, quan điểm của bộ Công thương là giá than phải tăng theo giá điện, chứ không phải giá điện chạy theo giá than. M.Q |
Thực ra mà nói, giá điện vừa rồi chúng ta tăng hơi thấp. Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến về vấn đề này nhưng vì đã đưa vào cơ cấu rồi nên điều chỉnh không được. Cho nên, chia ra các bước đi đều hơn thì nó ổn định hơn. Cái này rất cần phải chú ý theo dõi. Thực tiễn vừa rồi, các mặt hàng phải thị trường hoá mình đều thực hiện theo chính sách như thế cả. Như trước đây, khi tăng giá xăng đến đỉnh như thế, chúng ta có dám đưa lên cao ngay đâu? Có lúc ngân sách Nhà nước vẫn phải bù ra rất lớn, chứ thực ra mình muốn đi nhanh hơn. Nhưng đến nay, có thể thấy, thị trường xăng dầu đã rất ổn định sau khi nghị định mới về cơ chế kinh doanh xăng dầu có hiệu lực. Cái này phải rất kiên trì chứ không thể chỉ theo ý chí chủ quan được. Nó tuỳ vào bối cảnh, tình hình thị trường nữa.
Còn với một số mặt hàng khác như: sữa, dược phẩm…, bộ Tài chính có giải pháp thế nào để các doanh nghiệp không tăng giá cao một cách bất hợp lý?
Vừa rồi, qua thanh tra cũng đã xây dựng cơ chế, đang lấy ý kiến để sắp tới ban hành quy định theo hướng là chúng ta phải kiểm soát từ đầu vào, quá trình hình thành giá nên thế nào và mức giá mà doanh nghiệp đăng ký ra sao. Ví dụ như các khoản chi phí kê khai không hợp lý, các khoản chi cho quảng cáo, tiếp thị tăng quá mức quy định thì thu lại. Tôi công bố với xã hội, bắt anh phải giảm giá và người dân sẽ kiểm soát cái đấy. Tôi nghĩ, bây giờ, chính quyền các địa phương cũng phải vào cuộc nữa mới được.
Còn về điều hành giá cả chung, năm nay, theo bộ trưởng, cần phải chú trọng tới những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu lạm phát chỉ ở mức một con số?
Trong nhóm giải pháp vĩ mô liên quan chung thì quan trọng nhất vẫn là phải cân đối cung cầu hàng hoá. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhóm lương thực, thực phẩm vì tác động đến giá cả chung của nó lớn. Cân đối lương thực là quan trọng lắm. Như mới rồi, mới thế thôi đã có tin đồn lung tung là thiếu gạo, trong khi đó gạo thì ta đang thừa ra. Năm nay còn xuất khẩu tới 6 triệu tấn. Rồi việc điều hành chính sách tài chính, theo tôi phải rất linh hoạt làm sao để không phá vỡ cân đối vĩ mô. Nhưng cái đó có thể thấy năm 2010 là tương đối tốt. Kinh tế có dấu hiệu đi lên thì thu ngân sách sẽ cố gắng đảm bảo để bội chi giảm xuống. Trong nhóm giải pháp về quản lý điều hành thì không chỉ riêng các bộ, ngành, địa phương vào cuộc mà còn phải rà soát lại, kiểm soát chặt hơn danh mục hàng hoá phải đăng ký giá để không có mặt hàng nào tăng giá quá cao.
(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com