Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Có nên có thêm gói kích cầu?

 
"Bất kỳ phương thuốc nào cũng có những tác dụng phụ đối với cơ thể người, và trong trường hợp này, các biện pháp kích thích kinh tế cũng làm gia tăng những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam"

Một số thành viên trong Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia vừa có kiến nghị Chính phủ nên có thêm một gói kích cầu nữa khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc vào ngày 31/12/2009.

Về vấn đề này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về chính sách và hiệu quả gói kích cầu vừa qua của Việt Nam?

Trước hết, hãy nhìn vào tình hình kinh tế hiện tại ở Việt Nam, đặc biệt là trong tương quan so sánh với những gì đang diễn ra ở các nước khác. Công bằng mà nói, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam là ít nghiêm trọng hơn rất nhiều so với ở một số quốc gia khác.

Từ đó, có thể nhận định rằng, gói kích thích kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng có hiệu quả tương đối tốt và Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất tốt với suy thoái kinh tế thế giới.

Có thể có những ý kiến khác nhau về các biện pháp được áp dụng trong gói kích cầu của Việt Nam nhưng tôi cho rằng, đánh giá công bằng nhất ở đây là nhìn chung, Việt Nam đã có một gói kích thích kinh tế có hiệu quả.

Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia kiến nghị Chính phủ nên có thêm một gói hỗ trợ lãi suất nữa khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc vào ngày 31/12/2009, vậy theo ông, Việt Nam có nên có gói kích cầu tiếp theo hay không?

Như tôi đã nói ở phần trên, gói kích cầu đầu tiên của Việt Nam là tốt. Tuy nhiên, bất kỳ phương thuốc nào cũng có những tác dụng phụ đối với cơ thể người, và trong trường hợp này, các biện pháp kích thích kinh tế cũng làm gia tăng những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đúng khi thể hiện sự lo ngại về sự gia tăng trở lại của lạm phát.

Ở thời điểm này, có thể thấy kinh tế thế giới đang dần hồi phục. Đồng nghĩa với việc giá cả các mặt hàng cơ bản sẽ tăng trở lại và điều này sẽ gây thêm áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam. Sự phục hồi kinh tế thế giới cũng có thể thúc đẩy nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng lên, kéo theo rủi ro lạm phát lớn hơn.

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục một số biện pháp kích thích đã có và trong quá trình đó cân nhắc xem có nên bổ sung thêm hay điều chỉnh gì không, tùy thuộc vào chuyển biến cụ thể của nền kinh tế. 

Vấn đề rất quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ những diễn biến trong nền kinh tế, bao gồm cả kinh tế trong nước và kinh tế thế giới, lấy đó làm cơ sở cân nhắc để đưa ra quyết định về việc có hay không có thêm một gói kích cầu tiếp theo.

Trong trường hợp Chính phủ Việt Nam nhận thấy sự phục hồi kinh tế thế giới diễn ra chậm chạp, thì việc đưa ra một gói kích cầu tiếp theo là điều nên làm.

Theo ông, nếu có gói kích cầu hỗ trợ lãi suất kế tiếp thì cần liều lượng như thế nào? Có nên hạ mức hỗ trợ lãi suất dưới 4% so với gói thứ nhất không?

Với sự thành công của gói kích cầu đầu tiên, sự hồi phục đã đến với một số ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, trong trường hợp Chính phủ Việt Nam đưa ra gói kích cầu tiếp theo, thì theo tôi, quy mô của gói kích cầu đó nên giảm đi nhiều so với gói kích cầu đầu tiên, và những mục tiêu hướng tới cũng cần trọng tâm hơn, đặc biệt là hỗ trợ những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sở dĩ cần thu hẹp gói kích cầu tiếp theo, nếu có, là để tránh sự gia tăng trở lại của lạm phát ở tốc độ cao như lo ngại của Ngân hàng Nhà nước, vì xét về bản chất, biện pháp hỗ trợ lãi suất làm gia tăng lượng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, qua đó kích thích kinh tế tăng trưởng.

Như chúng ta đã biết, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, có thể phải mất 12-18 tháng mới phát huy tác dụng đối với nền kinh tế. Bởi vậy, trong trường hợp có thêm một gói kích cầu nữa, điều cần thiết mà Chính phủ Việt Nam cần làm là tiên liệu được những gì có thể xảy ra đối với nền kinh tế trong nước và thế giới trong năm 2010, mặc dù đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Theo ông, cần tập trung gói kích cầu này vào những đối tượng như thế nào? Liệu có thể có những hệ lụy gì từ gói kích cầu này?

Như tôi đã nói ở trên, gói kích cầu tiếp theo, nếu có, nên chú trọng đối tượng những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tới thời điểm này, có thể nói Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc duy trì sự tồn tại của những doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ đã phải xoay sở nhiều cách, như vay tiền của người thân, để tồn tại.

Tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam nếu tung ra một gói kích cầu thứ hai sẽ thu hẹp đối tượng hưởng lợi hơn và sẽ quan tâm hơn tới các doanh nghiệp nhỏ.

Theo nhận định của ông, nếu thực hiện gói kích cầu tiếp theo, nền kinh kế Việt Nam sẽ có khả năng tiến triển như thế nào? Và nếu không có gói kích cầu kế tiếp đó thì liệu nền kinh tế có gặp những khó khăn gì không?

Ở đây tồn tại hai kịch bản. Trong trường hợp kinh tế thế giới hồi phục, xuất khẩu của Việt Nam và vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ tăng lên. Khi đó, sẽ là không cần tới, mà thực tế là tốt hơn không nên có, gói kích cầu tiếp theo.

Trong trường hợp kinh tế thế giới chưa hồi phục, hoặc có hồi phục nhưng sự hồi phục bị gián đoạn, một gói kích thích kinh tế nữa có thể là cần thiết. Nhưng như tôi đã nói, phương thuốc nào cũng có tác dụng phụ, và đó là điều phải chấp nhận.

Nếu gói kích cầu tiếp theo được triển khai, theo ông, cần những giải pháp gì để đạt hiệu quả cao nhất?

Tôi cho rằng, có hai vấn đề chính cần lưu ý. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, các chế độ phúc lợi cho người dân. Mạng lưới an sinh của một quốc gia có thể là rất ổn trong điều kiện kinh tế tốt, nhưng khi xảy ra những khó khăn về kinh tế, hệ thống đó lại có thể trở thành không đầy đủ.

Đó là lý do tại sao Chính phủ Việt Nam cần tập trung tăng cường các chế độ phúc lợi để vững vàng hơn và có sự chuẩn bị sẵn sàng hơn cho những trường hợp xảy ra khó khăn về kinh tế. 

Thứ hai, Chính phủ cần tăng cường năng lực thu thập và phân tích các dữ liệu, qua đó đưa ra những dự báo chuẩn xác hơn về những gì có thể sắp xảy ra. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để có được biện pháp ứng phó phù hợp.Với những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế trong những tháng gần đây, chuẩn bị cho giai đoạn hậu khủng hoảng là cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau khi nền kinh tế hồi phục.

Một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có khoảng 91% số doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất, trên 51% doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, 56% doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thị trường. 

Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay là: cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải xác định được những nguy cơ, thách thức mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới, nhất là khi nền kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng và kinh tế trong nước tăng trưởng trở lại. Giải quyết được những vấn đề trên, đồng thời nắm bắt được cơ hội sẽ là một trong những yếu tố mang lại thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam sau khủng hoảng.

Nguy cơ và thách thức

Theo ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI, khi kinh tế thế giới phục hồi, các nền kinh tế lớn sẽ thực hiện tái cơ cấu, dòng vốn đầu tư sẽ có sự chuyển dịch. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ về thị trường, ngành hàng để có thể tranh thủ các cơ hội của quá trình tái cơ cấu kinh tế quốc tế mang lại, nhất là định hướng về thu hút các dòng đầu tư nước ngoài. 

Qua khủng hoảng các doanh nghiệp cần nhận biết được những yếu kém trong nội tại doanh nghiệp của mình, tiến hành các biện pháp cải cách về công nghệ, quản lý, tài chính, nhân lực... và định ra các chiến lược phát triển mới.

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu xuất phát từ nước Mỹ với nguyên nhân là sự đổ vỡ của hệ thống tín dụng và thị trường bất động sản. Trong những năm qua, nước ta cũng có nhiều cơn "sốt" chứng khoán, bất động sản dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn đua nhau đầu tư vào các lĩnh vực này. Hậu quả khi thị trường chứng khoán tuột dốc và thị trường bất động sản bị đóng băng, nhiều doanh nghiệp đã hết sức khó khăn. Từ bài học của nước Mỹ và những diễn biến của hệ thống tài chính - tín dụng, thị trường bất động sản của nước ta trong những năm qua, các doanh nghiệp cần rút ra những bài học cho định hướng đầu tư trong thời gian tới.

Do suy thoái kinh tế, hàng hóa dư thừa nên hầu hết các nước trên thế giới đều có các chính sách bảo hộ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài, ngay cả ở các thị trường truyền thống. Hiện nay thị trường trong nước đang bị hàng giá rẻ của ngoại nhập chiếm lĩnh, các doanh nghiệp của chúng ta quá chú trọng vào sản xuất hàng xuất khẩu nên đang đứng trước nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, việc chiếm lĩnh thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân là vấn đề cần được quan tâm thích đáng.

Ngoài những nỗ lực nội tại, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hậu thuẫn, hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp để nhanh chóng phát triển sản xuất - kinh doanh.

Hướng đi cho doanh nghiệp

Qua nghiên cứu, khảo sát tình hình doanh nghiệp, nắm bắt diễn biến thị trường trong và ngoài nước, VCCI cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tái cấu trúc lại doanh nghiệp ở cả hai cấp độ: tái cấu trúc gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu và tái cấu trúc không gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu. 

Tái cấu trúc gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu thông thường dưới các hình thức: mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp...đây là xu hướng đang diễn ra nhiều trên thế giới nhằm hình thành các doanh nghiệp mới đủ mạnh đồng thời vẫn duy trì được các mặt tích cực, các dòng sản phẩm thương hiệu của doanh nghiệp cũ.

Còn tái cấu trúc không gắn liền với thay đổi cơ cấu chủ sở hữu bao gồm các hoạt động cải tổ nội bộ của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của một số bộ phận cho phù hợp với chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp như: xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh, phát triển những kỹ năng mới, tạo sự tìm tòi và đổi mới trong nội bộ doanh nghiệp, cam kết với khách hàng, cộng đồng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ... “VCCI đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu song song với tiến hành đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này”, ông Túc cho biết.

Theo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội khủng hoảng để đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong giai đoạn khủng hoảng, giá máy móc, thiết bị, công nghệ của thế giới trở nên rẻ hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội của khủng hoảng để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao từ nước ngoài, nhất là Việt kiều để phục vụ cho quá trình tái cấu trúc. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm là chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giữ và thu hút lao động "chất xám", đặc biệt là lao động quản lý, lao động kỹ thuật.

Với một nền kinh tế, xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao như ở Việt Nam trong những năm qua, thì xuất khẩu là vấn đề cần nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp. 

Ông Túc cho rằng, để có thể tranh thủ được những cơ hội mới mở ra trong thời “hậu khủng hoảng”, các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát sao và cố gắng dự báo xem nước nào, lĩnh vực nào hồi phục trước để chủ động tiếp cận chiếm lĩnh thị trường. Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhưng sẽ là cơ hội xuất khẩu hàng hóa giá rẻ như: hàng nông, thủy sản, thực phẩm... Đây là thế mạnh và là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng có lợi thế so với các nước khác để bảo đảm được thị phần vững chắc cho nhóm hàng đó tại các thị trường.

Ngoài những lưu ý trên, VCCI còn cho rằng, cùng với việc duy trì, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thì chú trọng phát triển thị trường trong nước vẫn cần được coi như một hướng cơ bản và lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để đạt được điều này, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. 

Khi phát triển thị trường trong nước cần chú trọng cả thị trường tiêu thụ và khuyến khích việc sản xuất và sử dụng hàng hoá, dịch vụ đầu vào sản xuất trong nước. “Nhưng để thành công các doanh nghiệp cần phải đặc biệt chú trọng đến thị trường nông thôn, nơi chiếm đến 2/3 dân số cả nước”, ông Túc nhấn mạnh.

(Theo Mạnh Chung-Kiều Oanh// VnEconomy)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi