![]() |
Ông Trần Du Lịch. |
TBKTSG ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, về những ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Viễn thông.
TBKTSG: Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông đã đưa ra ý kiến rằng viễn thông Việt Nam thiếu triết lý mở cửa thị trường, vậy triết lý đó theo ông là gì?
- Ông Trần Du Lịch: Đó là cần một nền tảng luật rõ ràng để định hình viễn thông phát triển trên đó. Việc luật hóa lĩnh vực viễn thông phải dựa trên kinh nghiệm của thị trường quốc tế và từ đặc điểm thị trường Việt Nam.
Ở các thị trường quốc tế, lĩnh vực viễn thông luôn mở cửa chậm nhất. Lý do thứ nhất, viễn thông là lĩnh vực phát triển có thương quyền với đặc điểm kinh doanh trên nguồn tài nguyên quốc gia. Nhà nước khai thác thương quyền này để phục vụ lợi ích chung của quốc gia.
Thứ hai là có nhiều cách biệt về khai thác thương mại và công ích. Khu vực công ích dù muốn mở cửa thì các nhà đầu tư cũng không mặn mà vì giá trị thương mại thấp. Vì thế nhà nước phải điều phối với trách nhiệm mở hạ tầng phủ sóng đến người dân. Điều này làm cho viễn thông ngoài kinh doanh còn có nghĩa vụ bao cấp lớn.
Một đặc điểm nữa, viễn thông là ngành phát triển gắn liền với an ninh quốc gia. Việc kiểm soát của nhà nước là rất quan trọng, vì thế tất cả các nước đều có hệ thống viễn thông riêng, nhà nước kiểm soát và mở cửa chậm nhất.
Cuộc cách mạng về công nghệ vào thập niên 1990 đã giúp ngành viễn thông bùng nổ với sự ra đời của mạng di động. Các dịch vụ làm tăng giá trị mạng viễn thông và việc kinh doanh dịch vụ đã tách biệt với viễn thông cơ bản.
Sự hội tụ công nghệ cũng đã tạo áp lực thay đổi phương thức quản lý kinh doanh trong lĩnh vực này. Các quốc gia thấy rằng ngày càng có nhiều dịch vụ vượt ngoài phạm vi quản lý nhà nước, thương quyền viễn thông cơ bản không còn giá trị cao mà dịch vụ gia tăng mới là lớn. Xu hướng chuyển sang nhà nước quản lý hạ tầng, doanh nghiệp làm dịch vụ đã bắt đầu với quá trình tư nhân hóa và cổ phần hóa các mạng viễn thông trong suốt 20 năm qua.
- Công nghệ thay đổi đã tạo áp lực lên phương thức quản lý độc quyền của các nhà nước trong viễn thông. Chúng ta có thể rút kinh nghiệm gì từ yếu tố này?
- Hiện viễn thông là ngành quản lý nhà nước đặc biệt. Tần số là nguồn tài nguyên hữu hạn, yêu cầu ứng dụng công nghệ mới để tiết kiệm. Chức năng quản lý nhà nước bao gồm cả việc khuyến khích và chuẩn mực hóa sử dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số; đầu tư phát triển hạ tầng như các đường trục quốc gia. Các nhà khai thác sử dụng và phân chia nghĩa vụ trên hạ tầng đó. Nếu không làm được điều này thì tất yếu tất cả các mạng đều đi xây hạ tầng vừa manh mún vừa kém hiệu quả.
Theo cam kết WTO, đường trục quốc gia và quốc tế là lĩnh vực nhà nước được độc quyền. Vậy Luật Viễn thông phải đặt ra triết lý kinh doanh trong bối cảnh chúng ta đã có quá nhiều nhà khai thác đầu tư vào đường trục, nên có quy định về nhà đầu tư đường trục và luật hóa quy định này để bảo đảm các yếu tố công bằng giữa các nhà đầu tư. Khó có thể có việc tất cả các nhà khai thác đều có đường trục. Luật phải dựa trên triết lý rằng đầu tư đường trục giống như Nhà nước xây xa lộ, nhà khai thác cung cấp dịch vụ như là người lái ô tô chạy trên xa lộ và trả phí.
Theo tôi, Nhà nước nên xây xa lộ viễn thông và độc quyền trên đường trục quốc gia, hiện đại hóa xa lộ đó để tránh cảnh như viễn thông Việt Nam lâu nay, phát triển mạnh nhưng thật sự chỉ mạnh ở phần ngọn. Trong khi phần truyền dẫn và chuyển mạch đã được đầu tư với công nghệ hiện đại, thì khu vực ngoại vi manh mún và thiếu quy hoạch. Tình trạng dây nhợ chằng chịt trên khắp đường phố nói lên thực trạng này. Nếu tiếp tục kéo dài, thì không thể tạo ra một hệ thống viễn thông hiện đại. Làm sao bảo đảm an toàn cho mạng băng rộng chạy trên một hệ thống mạng ngoại vi như thế?
- Thưa ông, nếu vậy liệu có nguy cơ thụt lùi, như trước đây viễn thông chỉ có một doanh nghiệp độc quyền và thị trường đã rất chậm phát triển trong giai đoạn dài?
Vấn đề không phải có nhiều nhà đầu tư vào đường trục thì phục vụ tốt cho khách hàng, mà vấn đề là luật hóa quyền khai thác đường trục đối với mọi nhà khai thác. |
- Nếu viễn thông vận động theo triết lý kinh doanh luôn luôn đặt khách hàng là đối tượng ưu tiên thì không có gì trở ngại cả. Khi chúng ta giải quyết được hạ tầng thì bất cứ nhà cung cấp nào cũng gia nhập được vào đấy, tạo ra dịch vụ tốt, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, thì thị trường mới lành mạnh.
Có nhiều nhà khai thác như hiện nay vẫn chưa giải quyết được tất cả vấn đề cạnh tranh, ví dụ như các khu đô thị mới hiện nay, hễ nhà khai thác nào trúng thầu cung cấp thì độc quyền, không thể có nhà cung cấp thứ hai, và người dùng thiệt thòi. Vấn đề không phải có nhiều nhà đầu tư vào đường trục thì phục vụ tốt cho khách hàng, mà vấn đề là luật hóa quyền khai thác đường trục đối với mọi nhà khai thác.
- Hiện các nhà khai thác lớn chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước nhưng việc quản lý các hoạt động này chưa dựa trên định hướng quy hoạch hay tiêu chuẩn rõ ràng, doanh nghiệp vẫn còn dựa trên vị thế của bộ, ngành chủ quản để cạnh tranh?
- Rõ ràng viễn thông phát triển mạnh trong thời gian qua, nhưng chưa phải với một triết lý khách hàng rõ ràng, nếu rõ ràng thì chuyện cạnh tranh giữa các nhà cung cấp sẽ được họ giải quyết với nhau. Nếu luật quy định rõ ràng, việc tranh chấp sẽ xử theo quan hệ dân sự, công khai minh bạch, chứ không thể như hiện nay các tranh chấp viễn thông đều đưa lên Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Chính phủ. Theo tôi việc tranh chấp nên để tòa án giải quyết, bảo đảm quyền tố tụng của mỗi bên.
Triết lý luật phải trên triết lý thị trường, cho phép khách hàng lựa chọn nhà cung cấp mà không phụ thuộc vào hạ tầng. Cho dù kho số thuộc công ty A, khi khách hàng chuyển sang dịch vụ của nhà cung cấp B họ vẫn không cần đổi số. Quyền lợi người dùng do hai bên phải chịu trách nhiệm. Nhưng rõ ràng luật của ta hiện nay chưa quy định nổi những vấn đề này. Đó là những vấn đề còn khó khăn khi chuyển từ thị trường cạnh tranh một phần sang cạnh tranh hoàn toàn. Vì thế, chúng ta cần có lộ trình cho sự phát triển này. Ví dụ ở Úc trước đây lộ trình này được đặt ra là bảy năm.
- Chúng ta cũng đang có nhiều nhà khai thác, có thể xé nhỏ tài nguyên quốc gia, đầu tư trùng lặp, chia nhỏ thị phần, luật sẽ đề cập ra sao về quản lý nhà nước trong một lĩnh vực đặc thù như ông nói?
- Khái niệm thị trường có quá nhiều nhà khai thác hay ít nhà khai thác còn tùy vào nhiều cách nhìn. Nhiều ít cũng còn liên quan đến lộ trình mở cửa, nhưng theo tôi cần áp lực để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực và lớn mạnh toàn diện chứ không phải mở rộng mọi cách cho đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Nếu nhiều nhà khai thác thì trong quá trình phát triển thị trường sẽ sàng lọc.
Và vai trò của luật là phải quản lý tốt để thị trường tự điều tiết. Xã hội hóa viễn thông là một cuộc chơi thúc đẩy thị trường lành mạnh, Nhà nước đóng vai trò kiểm tra giám sát, dự báo sự khủng hoảng của nó để cuộc chơi không bị xé rào. Quyền kiểm soát của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông có những khác biệt so với những lĩnh vực khác. Dự thảo Luật Viễn thông cho đến khi thông qua, có lẽ còn nhiều nội dung còn phải tiếp tục hoàn thiện.
(Theo Hoàng Duy // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com