![]() |
Ông Trần Tuấn Anh. |
Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, địa phương tiên phong ở ĐBSCL về việc sàng lọc các dự án đầu tư chậm triển khai, trả lời phỏng vấn TBKTSG về vấn đề hậu kiểm sau cấp phép đầu tư.
TBKTSG: Từ hai tháng qua, trong quá trình hậu kiểm các dự án đầu tư, UBND thành phố đã xác định những nguyên nhân nào làm cản trở tiến trình thực hiện dự án?
- Ông Trần Tuấn Anh: Dự án triển khai chậm là một vấn đề phức tạp, phản ánh đặc thù phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thực tế có rất nhiều dự án chậm triển khai với nhiều lý do khác nhau. Theo tôi, trong số các nguyên nhân thì không loại trừ những nguyên nhân mang tính chủ quan của chúng ta.
Khách quan mà nói, phải thấy rằng khủng hoảng kinh tế thế giới, rồi khung pháp lý của Nhà nước, những điều kiện đặc thù của địa phương cũng làm hạn chế nhiều tiến độ triển khai. Có một số dự án do “hoàn cảnh”, nhưng cũng có một số dự án lại do chính nhà đầu tư, chủ yếu là vì năng lực.
Năng lực ở đây có hai vấn đề, một là năng lực tài chính. Sự hạn hẹp về nguồn tài chính cũng như khả năng huy động vốn của dự án đã không thể đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là những dự án quy mô lớn. Chúng ta không trách nhà đầu tư, bởi trong kinh tế thị trường, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ nguồn tiền sẵn có trong ngân hàng hoặc huy động được ngay. Quan trọng là họ có đủ khả năng, đủ uy tín, độ tín nhiệm về mặt tín dụng đối với ngân hàng hay không.
Hai là năng lực về quản lý dự án, cũng như thực hiện dự án về mặt chuyên môn. Khi chuẩn bị dự án thì dễ, đơn giản, nhưng khi đi vào cụ thể thì mới bộc lộ sự lúng túng và bất cập. Do đó, dự án tốt, mục tiêu dự án được đánh giá là khả thi nhưng nhà đầu tư không triển khai được.
TBKTSG: Ông có nghĩ rằng, đấy là hệ quả của việc quá sốt sắng mời gọi đầu tư, nhưng thẩm định không kỹ trong thời gian trước đây?
- Có nhiều lý do. Nhưng đúng là thời gian qua, chúng tôi cũng chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ các nhà đầu tư, hoặc do yêu cầu gấp rút của công việc, nên đã cấp phép cho một số dự án. Đó là một bài học cho chúng tôi! Chúng tôi đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) rút kinh nghiệm trong vấn đề phân cấp đầu tư.
Thời gian vừa qua, phân ra quá nhiều lĩnh vực và tùy theo từng cơ quan mà theo dõi từng lĩnh vực nên không có quy trình chung trong theo dõi, quản lý đầu tư.
TBKTSG: Vậy thì hướng xử lý các dự án có “vấn đề” sẽ như thế nào?
- Thành phố đã có chủ trương rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư và thành lập ban chỉ đạo do phó chủ tịch thường trực UBND thành phố làm trưởng ban. Cứ định kỳ 2 tuần/lần, ban này sẽ họp để rà soát từng dự án cụ thể, trên cơ sở đó, xem xét những yêu cầu của nhà đầu tư, những khó khăn của chính quyền địa phương, để có sự chỉ đạo kịp thời.
Các giải pháp hỗ trợ cho nhà đầu tư phải thực hiện quyết liệt, như để giảm khó khăn trong đền bù giải tỏa, việc tái định cư phải được đảm bảo và phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Đối với những dự án vẫn khả thi thì rà soát tiếp năng lực tài chính của chủ đầu tư, xem họ có đảm bảo các tiêu chí đầu tư dự án hay không. Tiếp đó, xem nhà đầu tư đó có đủ năng lực chuyên môn hay không bởi nếu tài chính được đảm bảo nhưng quản lý dự án không hiệu quả thì lại là một sự lãng phí rất lớn đối với xã hội đồng thời cản trở việc phát triển.
Dự án nào không còn phù hợp tốc độ phát triển, không phù hợp tiêu chí như những dự án đầu tư vào lĩnh vực giải trí, sân golf, khu đô thị… cũng phải xem xét. Còn đối những dự án đã tồn đọng quá lâu, không có những bước triển khai cụ thể, mà nguyên nhân do chính nhà đầu tư thì kiên quyết xem xét để thu hồi.
TBKTSG: Nhưng theo ông, thời gian tới làm thế nào để thu hút đầu tư đảm bảo hài hòa giữa thủ tục thông thoáng và thẩm định chặt?
- Yêu cầu đặt ra của thành phố là xem xét thẩm định và ra quyết định nhanh, thủ tục thông thoáng nhưng phải đảm bảo sự chắc chắn, tính khả thi của từng dự án. Để làm được điều đó, Sở KH&ĐT phải là đầu mối, chịu trách nhiệm thẩm định nhà đầu tư, sau đó rà soát, theo dõi và đôn đốc triển khai, ngay từ cấp phép đầu tư cho đến hậu kiểm.
TBKTSG: Liệu như vậy có phát sinh vấn đề, do ngại trách nhiệm nên các cơ quan chức năng chần chừ, thẩm định quá lê thê, khiến yêu cầu về thủ tục thông thoáng không đạt?
- Vấn đề ở đây là phải phân cấp đầu tư. Nếu anh tham lam quá, không phân cấp cho các địa phương thì trách nhiệm sẽ dồn rất nặng mà cũng không đủ người để làm, đồng thời cũng dễ sinh ra chuyện “bó” lại, làm khó dễ nhà đầu tư trong việc cấp phép.
Phân cấp đầu tư nhưng phải đi kèm việc tăng cường nâng cao tính hiệu quả quản lý. Như phân cấp đầu tư theo quy mô, vốn đầu tư thì Sở KH&ĐT phải kèm theo đề án tăng cường năng lực cho cán bộ địa phương. Dù đã phân cấp, nhưng Sở KH&ĐT vẫn là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về hậu kiểm.
(Theo Hồ Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com