Với những kết quả khá khả quan của nền kinh tế vào thời điểm cuối năm của VN đã gây ra rất nhiều bất ngờ với các chuyên gia về kinh tế trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để hướng đến thị trường nội địa tại VN vẫn là bài toán của rất nhiều DN VN. Trao đổi với DĐDN, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, các DN nên xây dựng chiến lược trước khi thực sự bắt tay vào đầu tư.
Ông Chương còn cho rằng thời gian tới cần đầu tư cho thị trường nội địa một cách có bài bản, có chiến lược mà cả DN lẫn Nhà nước phải cùng tham gia.
- Nền kinh tế VN năm qua có điều gì gây bất ngờ đối với ông ?
Tôi và nhiều chuyên gia kinh tế rất bất ngờ với sự phát triển và phục hồi của kinh tế VN, sự lạc quan và niềm tin của các DN. Trong khi nền kinh tế thế giới suy giảm thì GDP của VN vẫn tăng. Có đến 30% DN VN đã đạt đươc kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) và 40% đã vượt được kế hoạch SXKD năm 2009. Niềm tin của các DN VN thật đáng khâm phục khi tháng 11/2009, trong một cuộc khảo sát của Niesel thì có đến 70% DN VN tin rằng kinh tế VN đã phục hồi và phát triển
- Vậy theo đánh giá của ông, đâu là nguyên nhân khiến nền kinh tế VN năm 2009 vẫn tăng trong suy thoái kinh tế thế giới ?
Theo tôi, thứ nhất là do nền kinh tế VN chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Thứ 2 là do nền kinh tế tài chính của VN vẫn chủ yếu dùng tiền mặt. VN là một trong những nước có số lượng tiền mặt trên đầu người cao nhất thế giới với khoảng 15 - 20 tỷ USD. Đây là lượng tiền có thể huy động để phát triển. Tại những nước đã phát triển, do lượng tiền mặt trong dân rất ít nên khi ngân hàng suy thoái là toàn bộ nền kinh tế suy sụp ngay lập tức.
- Nhưng không thể không nói đến những cố gắng của DN VN, thưa ông ?
Đương nhiên, nhưng năm 2010 có thể sẽ có một đợt biến động mạnh trong hàng ngũ các DN, sẽ có một số DN mạnh lên nhưng cũng sẽ có nhiều DN không thể phục hồi và phá sản. Lý do là trong năm qua, các DN VN đã được ngân sách hỗ trợ khoảng 400 ngàn tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này được xem như một liều thuốc bổ sẽ hết tác dụng vào quý II/2010. Nhiều DN khi hết “thuốc” vẫn sẽ mạnh hơn, nhưng nhiều DN khi hết “thuốc” sẽ dật dờ. Thậm chí, nhiều DN làm ăn không thực chất thì “liều thuốc bổ” kia sẽ... chôn sống họ vì nợ nần.
- Theo ông, DN VN cần cơ cấu lại các thị trường như thế nào ?
DN VN đang tập trung quá lớn vào thị trường XK. Tuy nhiên, thị trường XK ngày càng rủi ro cao. Đơn cử, trong bối cảnh tổng cầu của thế giới đang giảm nên các nước đang siết chặt các “rào cản” kỹ thuật đối với hàng hóa NK. Cụ thể như việc mới đây Châu Âu tiếp tục thực hiện chính sách thuế chống bán phá giá đối với da giày VN. Nhiều nước đã dựng lên các “hàng rào” đối với hàng dệt may, thủy hải sản, nông sản VN về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, về giá bán, thậm chí cả vấn đề VN có phải là một nền kinh tế thị trường hay không... Do có tính cạnh tranh thấp nên hàng VN có xác suất thiệt thòi rất lớn.
Do vậy, trong khi vẫn duy trì và mở rộng thị trường XK, các DN nên có chiến lược bài bản dành một phần cho thị trường trong nước. Thị trường nội địa là nơi các DN VN nắm được tính chủ động cao nhất, gần nhất, hiểu rõ nhất, dễ kiến nghị hoặc khiếu nại nhất... Ngoài ra, sức mua của thị trường nội địa VN vô cùng lớn, đang là thị trường béo bở của nhiều DN nước ngoài.
- Nhưng các DN VN vẫn đang rất hưởng ứng chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” đấy thôi ?
Vẫn biết là thế, nhưng theo tôi hiện chưa có một chiến lược của cả Nhà nước và DN. Thực tế là hàng hóa chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh như dệt may, da giày có thương hiệu chỉ mới dành tỷ lệ nhỏ cho thị trường nội địa. Nhiều DN vẫn đang dành hàng không XK được, hàng bị lỗi, hàng tồn kho bán cho thị trường nội địa.
- Theo ông DN và quản lý nhà nước cần có những thay đổi gì ?
Vai trò của các chính sách nhà nước trong quản lý điều hành nền kinh tế cũng ví như việc khai thông các huyệt đạo chính trong cơ thể người. Các huyệt đạo chính được thông thì các huyệt khác cũng sẽ thông. Nếu vai trò của Nhà nước không thông thoáng và không hợp lý, không đúng thì việc linh hoạt, năng động của các DN cũng chỉ như việc vùng vẫy bơi cho đến khi kiệt sức. Các chính sách của Nhà nước phải nhất quán, sửa đổi theo hướng có lợi cho DN nhằm tạo một niềm tin tuyệt đối của người dân và DN. Khi đã tin tưởng tuyệt đối rồi thì họ mới mạnh dạn đầu tư phát huy hết khả năng.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com