Lâu nay, sử dụng trọng tài như một công cụ trong việc giải quyết tranh chấp chưa được DN VN quan tâm. Tuy vậy, trả lời DĐDN, TS Nguyễn Minh Chí - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VIAC) khẳng định: Đây là công cụ hữu hiệu trong giải quyết tranh chấp thương mại.
- Gần đây, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng, số lượng vụ tranh chấp ngày càng nhiều và phức tạp. Là tổ chức trọng tài lâu đời và uy tín nhất tại VN hiện nay, Trung tâm Trọng tài quốc tế VN đã tham gia như thế nào vào hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại thưa ông ?
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã xuất hiện trên thế giới cách đây khoảng hơn một thế kỷ và được sử dụng phổ biến trong thương mại quốc tế. Tại VN, trọng tài phi chính phủ cũng xuất hiện khá sớm với sự hình thành Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964). Năm 2003, theo Quyết định 204/TTg ngày 28/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, hai tổ chức trọng tài này được hợp nhất thành Trung tâm Trọng tài quốc tế VN, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại trong nước và quốc tế.
Qua 16 năm hoạt động, VIAC đã có những bước phát triển về nhiều mặt, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong ba năm trở lại đây, số lượng vụ tranh chấp giải quyết tại VIAC đã tăng lên 250 - 300% so với trước. Nếu tại thời điểm mới thành lập năm 2003, số lượng vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC chỉ có khoảng 15-20 vụ/năm, con số này hiện nay lên tới khoảng 50-60 vụ/năm, trong đó hơn 80% là tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Riêng năm 2009, VIAC đã thụ lý và giải quyết 2 vụ có trị giá trên 10 triệu USD, vượt xa rất nhiều con số phổ biến là vài chục hoặc vài trăm nghìn USD/vụ trước đây. Mức độ phức tạp của các vụ tranh chấp cũng tăng lên đáng kể.
Ngoài dạng tranh chấp phổ biến liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, gần đây các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư, vận tải, hàng hải, bảo hiểm... cũng tăng lên cùng với việc xuất hiện nhiều dạng tố tụng phức tạp (chọn ngôn ngữ là tiếng nước ngoài, luật áp dụng là luật nước ngoài, thủ tục rút ngắn...). Bên cạnh đó, với đội ngũ 123 trọng tài viên là những chuyên gia hàng đầu của VN về pháp luật và các lĩnh vực đa dạng của nền kinh tế, VIAC được coi là địa điểm giải quyết tranh chấp uy tín và tin cậy của nhiều thương nhân.
- Những con số nêu trên cũng cho thấy đang dần có sự biến chuyển tích cực trong nhận thức của thương nhân về những ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài. Tuy nhiên thưa ông, tại sao trên thực tế, số lượng vụ việc được giải quyết bằng trọng tài tại VN vẫn còn nhỏ so với vụ việc được giải quyết bởi Toà án ?
Nếu so sánh với hệ thống tòa án thì số lượng vụ tranh chấp được giải quyết tại các trung tâm trọng tài ở VN hiện nay vẫn là con số khiêm tốn. Hàng năm, chỉ tính riêng số lượng vụ việc được giải quyết tại Toà Kinh tế Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã lên tới hàng trăm vụ, trong khi đó, 6 Trung tâm trọng tài, trong đó chủ yếu là VIAC, cũng chỉ giải quyết được khoảng 60-70 vụ/năm.
Nguyên nhân chính của việc này là vẫn còn nhiều DN chưa hiểu hoặc chưa hiểu đúng về trọng tài, dẫn đến tình trạng khi đàm phán, ký kết hợp đồng, họ chưa có thói quen đặt câu hỏi là lựa chọn trọng tài hay tòa án và tại sao như vậy hoặc nếu có chọn trọng tài thì cũng chỉ quy định điều khoản chung chung, không chính xác. Một nguyên nhân nữa là Nghị định về Trọng tài thương mại trước đây quy định, nếu một bên không chấp nhận thi hành, thì bên kia có quyền kiện ra tòa nên cho đến nay vẫn phảng phất tâm lý hồ nghi về các quyết định của trọng tài dù rằng nghị định này không còn hiệu lực và được thay thế bằng Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 với một chế định đảm bảo cho việc thi hành quyết định trọng tài có giá trị như thi hành phán quyết của tòa án.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có ưu thế hơn so với các phương thức giải quyết tranh chấp bởi tính linh hoạt của nó. Các bên có quyền tự do rất cao trong việc hình thành thủ tục tố tụng trọng tài, giải quyết dứt điểm một lần (quyết định có giá trị chung thẩm) và có quyền tự do chọn lựa trọng tài viên phù hợp với bản chất sự việc.
Bên cạnh đó, trong một số vụ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thì các bên tranh chấp có thể lựa chọn luật, ngôn ngữ, thậm chí lựa chọn cả trọng tài viên nước ngoài để xét xử. Qua khảo sát, dần có nhiều DN hiểu về tầm quan trọng của trọng tài thương mại, dẫn đến việc số lượng điều khoản sử dụng yếu tố trọng tài thương mại xuất hiện trong các hợp đồng của họ ngày càng nhiều hơn.
Hiện tại, Quốc hội đang thảo luận thông qua Luật Trọng tài Thương mại, khắc phục những nhược điểm của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003. Hi vọng, khi luật được ban hành và đi vào thực tiễn, số lượng vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài sẽ tăng lên đáng kể.
- Năm 2010 là năm Luật Trọng tài Thương mại dự kiến được Quốc hội thông qua và ban hành. VIAC đã chuẩn bị những gì cho bước ngoặt này thưa ông ?
Luật Trọng tài đi vào cuộc sống sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, đòi hỏi VIAC phải nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa. Bước sang năm mới 2010, kể từ ngày 1/1, ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Chi nhánh VIAC tại 171 Võ Thị Sáu, TP HCM sẽ được thực hiện việc thụ lý trực tiếp hồ sơ đơn kiện.
Đây sẽ là bước chuyển mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa hơn cho các tổ chức, cá nhân phía Nam tham gia giải quyết tranh chấp tại VIAC. Bên cạnh đó, VIAC cũng sẽ thực hiện chiến lược tuyên truyền sâu rộng về Luật Trọng tài, đổi mới quy tắc, mở rộng và nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài viên, đồng thời chuyên nghiệp hóa toàn bộ hoạt động để VIAC trở thành công cụ hữu hiệu trọng giải quyết tranh chấp thương mại tại VN.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Viết Chung // Diễn đàn doanh nghiệp
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com