Nhìn tổng thể, bộ tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quốc gia do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện rộng hơn, nhiều lĩnh vực hơn PCI. Hai bộ tiêu chí đánh giá này có nhiều điểm giao nhau và một số điểm khác nhau. Một số tiêu chí như thể chế ổn định kinh tế vĩ mô, quy mô thị trường... chỉ được xét ở tầm quốc gia. Một số chỉ tiêu như hỗ trợ DN, đào tạo nhân lực, tính hiệu quả các chính sách điều hành... khá tương đồng.
Năm 2009, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp tụt hạng năng lực cạnh tranh của VN vì một số chỉ tiêu ở tầm quốc gia bị xếp hạng thấp. Nhìn tổng thể trong 5 năm qua, các chỉ tiêu về PCI của các địa phương có cải thiện theo từng năm. PCI đã thực sự tạo một động lực thi đua giữa các tỉnh. Nhiều tỉnh trước kia còn chưa hiểu biết về PCI thì nay hầu hết đã đánh giá rất cao vai trò của PCI. Các tỉnh đã coi PCI như một công cụ để kiểm tra và xem xét lại chính mình. Thông qua sự đánh giá và ý kiến của các DN, chính quyền các địa phương đã biết được những điểm mình còn hạn chế cũng như những khó khăn của DN để có thể hỗ trợ. Chỉ cần nhìn vào con số khoảng 40 tỉnh thành đã hội thảo về nâng cao chỉ số PCI trong năm qua cũng có thể thấy.
Vì có nhiều chỉ tiêu đánh giá giao nhau, nên việc cải thiện PCI cũng sẽ góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia. Hơn nữa, PCI có mục tiêu chính là nhiệt kế đo cảm nhận của DN đối với sự thân thiện của công chức địa phương, chính quyền địa phương trong cách ứng xử với DN, cách giải quyết các thủ tục hành chính... Thông qua quá trình điều tra PCI, DN đã đưa ra được nhiều vấn đề và đề xuất xuất phát từ thực tế hoạt đồng của DN. Đây là một trong những công cụ hữu hiệu giúp cải thiện môi trường cạnh tranh cấp quốc gia.
- Một số ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn về quy mô của cuộc điều tra PCI, thưa ông ?
Nguyên tắc điều tra hiện đại số lượng không phải là tiêu chí quan trọng hàng đầu mà là tính đại diện. PCI là cuộc điều tra mang tính đồng bộ và tổng thể nhất đối với các DN, chỉ sau một số cuộc điều tra như dạng điều tra dân số của Tổng cục Thống kê. Số lượng các DN tham gia điều tra của PCI thuộc mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, trên tất cả các địa phương và có tính đại diện cao. PCI đặc biệt chú trọng tới đối tượng là DN dân doanh, DNNVV vì đây là đối tượng có khả năng đưa ra cảm nhận chính xác nhất về cách ứng xử của chính quyền địa phương.
Nếu xét về mặt số lượng, so với các cuộc điều tra trên thế giới, PCI cũng là một trong những chương trình có sự tham gia của đông đảo DN nhất. Ban tổ chức đã gửi đi 10.000 phiếu điều tra và luôn thu về được từ 20 – 25% (trong khi tiêu chuẩn chỉ cần 15% là đạt yêu cầu). Một số cuộc điều tra của các tổ chức quốc tế như WorldBank cũng chỉ thực hiện trên 100 DN. Ngay như điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện cũng chỉ thông qua các báo cáo và phỏng vấn một số chuyên gia và DN với số lượng rất hạn chế.
- Chính phủ đang triển khai Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Đề án 30 và PCI ?
Trước tiên phải nói rằng, Đề án 30 đã thể hiện một quyết tâm chính trị cao của Chính phủ. Đây là giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ và toàn diện về thủ tục. Căn cứ từ thực tiễn kết hợp với cơ sở nghiên cứu khoa học, đề án đã tạo ra một cú hích mạnh, thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính theo một lộ trình triệt để. Thông qua PCI đã phát hiện và phân loại các thủ tục gây phiền hà cho DN.
Đề án 30 là chương trình “dân biết, dân bàn, dân làm”. Còn PCI, mặc dù chỉ ở phạm vi DN, nhưng PCI chú trọng tới khâu “dân kiểm tra”. Nếu nói đến Đề án 30 là cải cách về thủ tục hành chính. Còn PCI thì chú trọng tới cải cách về việc nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ công chức tại các địa phương. Từ đó PCI sẽ đưa ra những nhận xét về cách thức triển khai, thực hiện các thủ tục hành chính tại các địa phương này. Do vậy, PCI và Đề án 30 sẽ hỗ trợ nhau và tạo một sự chuyển biến về lâu dài.
- Từ kinh nghiệm thực tế điều tra các chỉ số PCI thời gian qua, ông có thể đưa ra những nhận xét cũng như định hướng của PCI trong những năm tới ?
Nhìn chung, tình hình cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại các địa phương đã được chuyển biến. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, nâng cao chỉ số PCI không phải là vấn đề một sớm, một chiều. Các chuyển biến ở từng địa phương cũng khó có thể nhanh được. Đây là một quá trình bền bỉ. Đặc biệt, các địa phương không nên vì quá chú trọng vấn đề tăng trưởng của mình mà quên đi các mục tiêu khác như môi trường, con người hay nói cách khác là phát triển bền vững...
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của một số địa phương cũng không nên quá “nuông chiều” các DN lớn, các dự án lớn mà quên đi các DNNVV. Các DNNVV luôn có vai trò quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm. Họ cũng là cầu nối trong việc tiêu thụ, chế biến và phân phối những sản phẩm của địa phương. DNNVV đóng góp rất lớn trong việc giữ gìn ổn định đời sống dân sinh ở từng địa phương.
Trải qua 5 năm triển khai, nhìn chung, lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh đã có những nhận xét và chuyển biến rõ rệt về vai trò của việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc chuyển biến tinh thần cải cách tới chính quyền cơ sở thì giảm dần theo từng cấp. Ví dụ cấp sở ban ngành tốt hơn rồi đến cấp huyện chậm hơn một chút, cuối cùng là cấp xã, phường.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế trong cũng như ngoài nước và đặc biệt là tình hình phát triển của các DN, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh về chỉ số đánh giá của từng năm cho phù hợp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng giữ sự ổn định về các tiêu chí đánh giá. Điều này sẽ tạo điều kiện để các địa phương có cơ sở để điều chỉnh và hoàn thiện hoạt động của mình tốt hơn.
* Tiếp theo năm 2008, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về điểm số PCI, theo sau là Bình Dương, tỉnh đã từng dẫn đầu trong ba năm. Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc cũng nằm trong nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc. Cao Bằng, Đắk Nông, Bắc Kạn nằm cuối bảng xếp hạng, cho thấy các địa phương này cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện công tác điều hành. *Báo cáo về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009 thể hiện "tiếng nói" của 9.890 DN VN đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và môi trường thể chế của các tỉnh thành trên cả nước. Đây là mức “kỷ lục” so với 6.000 DN năm 2006. * Điều tra PCI 2009 cũng cho thấy khoảng 42% DN trên cả nước biết đến Đề án 30, hứa hẹn sức lan tỏa của việc sử dụng rộng rãi Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đầu tiên được thiết lập, cho phép tra cứu trực tuyến dễ dàng và thuận tiện tới hơn 5.700 thủ tục và 9.500 văn bản pháp luật. * Kể từ khi công bố, chỉ số PCI đã trở thành một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế trên 63 tỉnh, thành phố của VN dựa trên cảm nhận của khu vực kinh tế tư nhân. |
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com