Cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch hội đồng quản trị TKV thôi chức, nghỉ hưu trước tuổi (một năm) do ông Kiển đã có đơn xin nghỉ và bản thân đã có một số sai phạm, khuyết điểm trong quản lý ngành mà uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã kết luận. Đồng thời, Thủ tướng đã bổ nhiệm ông Lê Dương Quang, thứ trưởng bộ Công thương kiêm nhiệm chủ tịch HĐQT tập đoàn này. Ông Quang đã trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Tiếp Thị về những dự định của ông trên cương vị mới này:
Ông đánh giá thế nào về tình trạng khai thác, xuất khẩu khoáng sản trái phép, vấn nạn ô nhiễm môi trường trong khai thác than, khoáng sản hiện nay?
Đây rõ ràng là những vấn đề nhức nhối nhất. Nó không chỉ gây lãng phí tài nguyên của đất nước mà còn tàn phá môi trường – môi sinh, làm phức tạp thêm tình hình trật tự, an toàn xã hội, gây ra nhiều tai nạn, tệ nạn… Mấy năm nay, tình hình đã trở nên phức tạp hơn. Không chỉ than, quặng kim loại mà cả đá xây dựng, cát sông cũng bị khai thác trái phép. Trước kia người ta còn đào bới lén lút, thủ công, thì nay nhiều khi công khai, sử dụng cả máy móc, thiết bị chuyên dùng… Trước kia người ta mang vác, dùng ngựa thồ, cùng lắm là ôtô chở quặng bán qua biên giới, nay thì xuất lậu bằng tàu biển cả ngàn tấn…
Ông thấy nguyên nhân chính của tình trạng đó là gì ?
Tôi thấy cơ bản là do pháp luật vừa thiếu đồng bộ, vừa chưa được thực thi nghiêm. Tham gia quản lý khoáng sản có nhiều cơ quan, nhưng sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả. Thứ hai là do trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm, sự tận tâm của nhiều cán bộ làm công tác quản lý còn kém; chưa kể không ít người trong số đó còn thoái hoá về phẩm chất, cố tình làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho những kẻ vi phạm pháp luật. Cũng có một nguyên nhân quan trọng là việc thiếu chặt chẽ, nếu không muốn nói là dễ dãi trong việc cấp phép thành lập doanh nghiệp, cấp đăng ký kinh doanh ngành khoáng sản, cấp phép hoạt động khoáng sản ở địa phương.
Với cương vị là lãnh đạo cao nhất của ngành than – khoáng sản, ông sẽ chỉ đạo như thế nào để giải quyết những vấn đề trên?
Tôi hình dung sẽ có hai loại công việc. Trước mắt, tôi sẽ phải cùng tập thể hội đồng quản trị của TKV chỉ đạo và tạo điều kiện cho cơ quan điều hành tập trung nỗ lực thực hiện thật tốt nhiệm vụ năm 2009 của tập đoàn và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2010. Chúng tôi sẽ hết sức chú trọng chỉ đạo việc chuẩn bị khai trường, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, đàm phán ký kết hợp đồng… cho kế hoạch năm sau và chú trọng hơn vấn đề an toàn lao động vì kinh nghiệm cho thấy khi áp lực chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch cao thì rất dễ xảy ra sơ xuất trong việc tuân thủ các quy định về an toàn. Loại công việc thứ hai phục vụ cho lâu dài là chúng tôi sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ; đánh giá lại toàn bộ hoạt động của tập đoàn để tìm ra và có hướng khắc phục những điểm yếu; rà soát lại các dự án đầu tư để tập trung chỉ đạo có trọng điểm; điều chỉnh việc sắp xếp tổ chức (nếu cần) để tăng sức mạnh cho tập đoàn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh có hoạt động của tập đoàn, với các ngành hữu quan để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép…
Vừa rồi, tại Quốc hội, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có nói rằng, Chính phủ sắp tới nên có quy định cấm xuất khẩu tài nguyên thô. Ông thấy cần có giải pháp gì để sớm chấm dứt xuất khẩu các loại khoáng sản chưa qua chế biến?
Luật Khoáng sản hiện hành định nghĩa: “Chế biến khoáng sản là hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản, hoạt động khác nhằm làm tăng giá trị khoáng sản đã khai thác”. Như vậy có thể nói về cơ bản chúng ta không xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến. Tôi nói “về cơ bản”, vì có thể vẫn có một lượng nhỏ quặng nguyên khai bị xuất lậu, hoặc một vài loại khoáng sản như cát san lấp thường cũng không có chế biến gì.
Hiện nay đã có nhiều thông tư, văn bản quy định việc hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Nhưng chưa có một luật nào quy định khoáng sản là mặt hàng cấm hoặc hạn chế xuất khẩu (luật Thương mại chỉ quy định khoáng sản là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện). Cái mà chúng ta phải quan tâm chính là vấn đề xuất khẩu lậu và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản.
Để giảm dần, tiến tới cơ bản chấm dứt việc xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến sâu, theo tôi, sẽ phải tập trung vào mấy giải pháp như: kiểm soát chặt khoáng sản ngay từ nguồn. Có chặn được nguồn mới chặn được việc xuất lậu và gian lận thương mại. Các mỏ đều phải có chủ, phải giao cho doanh nghiệp để quản lý và khai thác, tiêu thụ theo đúng quy định. Đương nhiên để làm tốt việc này thì phải chấn chỉnh công tác cấp các loại giấy phép: thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động khoáng sản… Cần có chính sách để khuyến khích đẩy mạnh hoạt động chế biến sâu trong nước và dành kinh phí thích đáng cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, công tác thanh tra – kiểm tra, công tác chống buôn lậu. Một giải pháp quan trọng khác là phải xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật và tiếp tay cho vi phạm pháp luật trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản. Riêng đối với than, một trong những nguyên nhân kích thích khai thác và xuất khẩu trái phép là sự chênh lệch lớn giữa giá than trong nước và giá bán ra nước ngoài. Chính phủ đã có chỉ đạo về việc sớm xoá bỏ sự chênh lệch này.
Ngoài ra, tôi muốn nói thêm, chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản là hoàn toàn đúng đắn, song cũng không nên hiểu một cách cứng nhắc. Xuất khẩu tài nguyên là việc làm cực chẳng đã, song chúng ta đang cần huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, mà khoáng sản cũng là một nguồn lực. Vấn đề là phải cố gắng sử dụng nó một cách tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả, đồng thời phù hợp với hoàn cảnh cụ thể từng lúc. Thí dụ: trong khi sẽ phải nhập khẩu than cho nhiệt điện thì cũng vẫn phải xuất khẩu một lượng than nhất định (chủ yếu là antraxit cục), bởi vì không ai lại lãng phí đến mức mang nghiền loại than có giá rất cao đó để đốt lò hơi cả.
( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com